Tài xế xe ôm bị cướp đâm thấu ngực và phận đời cơ cực
17/04/2016 12:01 GMT+7
Trong đêm khuya, hai kẻ trai tráng nhẫn tâm đâm thấu ngực người tài xế xe ôm già nua rồi cướp luôn xe máy, điện thoại.
Tự động phát
Trong đêm khuya, hai kẻ trai tráng nhẫn tâm đâm thấu ngực người tài xế xe ôm già nua rồi cướp luôn xe máy, điện thoại.
Ông Phước bị tên cướp đâm hai nhát ở ngực, bụng - Ảnh: Đức Tiến |
Hai mảnh đời, một số phận
Ngày 16.4, chúng tôi tìm đến phòng trọ của ông Nguyễn Văn Phước (65 tuổi, quê Trà Vinh), người lái xe ôm bị kẻ gian dùng dao đâm hai nhát ở ngực, hông, cướp xe máy, điện thoại, vào rạng sáng 13.4.
Căn phòng tuềnh toàng của vợ chồng ông Phước - Ảnh: Đức Tiến
|
Ông Phước ngồi trên giường với 2 miếng gạc màu trắng thấm máu ở ngực và hông. Còn bà Dương Thị Lẻ vợ ông (55 tuổi, cùng quê Trà Vinh), nước mắt ngắn dài kể cho chúng tôi nghe chuyện đời của hai vợ chồng.
Hơn 10 năm trước, ông Phước mất vợ và rời bỏ vùng quê ở Trà Vinh lên Sài Gòn chạy xích lô kiếm sống. Còn bà Lẻ thì mất chồng, mang trong người căn bệnh ung bướu cũng một thân một mình lặn lội lên Sài Gòn bán vé số. Cả hai đều không có con cái, gặp nhau nơi đất khách quê người qua lời giới thiệu của một vài người quen.
Họ đến với nhau bằng sự sẻ chia, cảm thông của những người đã qua một lần “đò”.
|
“Hai vợ chồng khi đó cũng làm được ba mâm cơm để mời những người cùng phòng trọ chứng kiến rồi về ở chung chứ chẳng có hôn thú gì. Ngày đó, tôi bệnh nên người phù ra, mệt mỏi, nhưng vẫn lấy vé số đi bán khắp nơi. Nếu không có ông Phước chạy xích lô phụ tiền nhà trọ, thuốc men thì tui đã chết lâu rồi”, bà Lẻ nghẹn lời.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, năm 2008, hai vợ chồng gom hết tài sản dành dụm và vay mượn một vài người quen để mua chiếc xe máy cũ (giá hơn 3 triệu). Mỗi buổi chiều hằng ngày, ông Phước lại chạy ra đứng ở khu vực công viên Phú Lâm (Q.6) chờ chở khách đến sáng sớm hôm sau mới về nhà. Thấy bà Lẻ đau bệnh, không làm được việc nặng nên một người hảo tâm xin cho bà vào làm kiểm đếm ở một xưởng sản xuất áo mưa.
“Mình già yếu nên chạy xe ôm là nghề dễ làm nhất. Ngày nào may mắn thì kiếm được 150 - 200 nghìn đồng, có hôm đứng cả đêm không có cuốc nào”, ông Phước nói.
“Tiền bạc thì mình không nói, chủ yếu là hai vợ chồng vui vẻ, tình cảm là đủ rồi. Với lại, ổng hiền khô như vậy thì sao mà mình cãi nhau với ổng được. Nói gì ổng cũng cười cười nên vợ chồng hiếm khi giận nhau lắm. Phòng này tuy chật chội nhưng tôi với ổng ở đây 5 năm rồi”, bà Lẻ nói.
Nhưng rồi tai ách cuộc đời một lần nữa đổ lên đôi vai gầy yếu của ông Phước và người vợ bệnh tật triền miên.
“Mất luôn cần câu cơm rồi”
Chiều 12.4, ông Phước như thường lệ chạy xe máy ra đứng đợi khách ở gần bùng binh công viên Phú Lâm. Đợi đến đêm mà chẳng tìm được cuốc xe nào, ông Phước vẫn nhẫn nại ngồi, dõi ánh mắt hy vọng về phía những người bộ hành.
Từ ngày ông Phước gặp nạn bà Lẻ phải nghỉ làm ở nhà chăm sóc ông - Đức Tiến
|
“Lúc đó tui thấy hai người nên giơ tay mời, hỏi đi đâu thì nó nói đến đường Tên Lửa. Tui hỏi đường Tên Lửa nhưng khúc nào, nó bảo: “Chú cứ chạy đi rồi con chỉ cho”. Đi lòng vòng một hồi thì một trong hai đứa kêu tui đưa điện thoại cho nó mượn gọi người nhà ra tính tiền. Gọi xong nó bỏ túi luôn rồi kêu chạy đến đường số 8. Chạy đến đó thì cuối đường rồi nên tui quay ra lại thì một đứa kẹp cổ quật ngã xuống đất, đứa còn lại thì dùng dao đâm hai nhát. Bị thương nhưng tui vẫn còn tỉnh nên giả vờ nằm bất động. Vì sợ đứng dậy nó đâm mình chết luôn. Rồi tụi nó lấy xe máy và điện thoại đi luôn”, ông Phước kể.
Ông Phước được người dân đưa đi cấp cứu với hai vết đâm ở hông, ngực.
“Đang ngủ thì có người gọi điện. Tôi bắt máy thì bên kia đầu dây người ta nói: “Cô có phải là vợ của ông xe ôm không?”. Tôi nói: “phải” thì người ta nói “ông xe ôm bị người ta đâm rồi, đang nhập viện Triều An. Trời ơi. Tôi nghe xong bủn rủn tay chân, không còn biết gì hết. Rồi tôi gọi cho cháu rể tới chở ra bệnh viện để lo cho ổng”, bà Lẻ kể.
Bà Lẻ thở dài nói tiếp: “Mỗi đêm ổng đi ra đường là tôi ở nhà niệm Phật, ngủ không yên. Cứ canh chừng 2 - 3 giờ sáng là gọi điện hỏi han chứ sợ ổng xảy ra chuyện. Nhưng giờ già rồi, không chạy xe ôm thì làm gì mà sống?".
“Giờ chỉ chờ mấy chú công an tìm lại được xe thì tui chỉ chạy ban ngày chứ không chạy ban đêm nữa. Thấy sợ lắm rồi”, ông Phước ngậm ngùi.
Bình luận (0)