Thuốc lậu tràn lan

20/07/2016 06:43 GMT+7

Thuốc lậu , thuốc không rõ nguồn gốc tấn công vào một số nhà thuốc, phòng mạch...

Liên quan đến việc Bộ Công an bắt giữ gần 5.000 hộp thuốc tây không rõ nguồn gốc với hơn 234.000 đơn vị sản phẩm (gồm viên, ống, lọ), ngày 19.7 lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu (C74) - Bộ Công an tại TP.HCM cho biết số thuốc tây lậu này được bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (quê Quảng Ngãi, hiện ở đường số 15, P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) phân phối cho các hiệu thuốc ở trung tâm TP.
Bà Dung khai từ đầu năm 2016 bà có mối quan hệ quen biết với một người ở Hà Nội, chỉ cần gọi điện đặt hàng, người này sẽ gửi thuốc tây lậu vào TP.HCM bằng xe khách. Hiện công an đang xác minh làm rõ nguồn hàng từ lời khai này.
Lần sau “khủng” hơn lần trước
Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong gần 5.000 hộp thuốc không rõ nguồn gốc này có 3.237 hộp Diamicron MR trị đái tháo đường, 486 hộp thuốc PLAVIX 75 MG 14 TABS điều trị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, 141 hộp Lipitor 10 mg hỗ trợ chế độ ăn kiêng và 16 loại thuốc khác. Hiện số lượng thuốc này đã được niêm phong đưa về kho của chi cục chờ xử lý. Cũng theo vị lãnh đạo này, bà Dung bán thuốc lậu cho khoảng 10 nhà thuốc ở trung tâm TP với giá rẻ hơn 50% giá thị trường. Sau đó, các nhà thuốc này tiếp tục bán cho khách hàng và phân phối về các hiệu thuốc các tỉnh lân cận TP kiếm lời.
Vào cuối tháng 5, đầu tháng 6.2016, UBND TP.HCM cũng đã xử phạt vi phạm hành chính 4 nhà thuốc Minh Châu (TP.HCM) gần 400 triệu đồng với nhiều hành vi, trong đó có hành vi bán thuốc lậu (không hóa đơn chứng từ). Tổng số thuốc lậu không hóa đơn chứng từ của các nhà thuốc Minh Châu cũng lên đến hơn 25.000 đơn vị sản phẩm.
“Tình trạng thuốc tân dược, thuốc đặc trị, thuốc kháng sinh, thực phẩm chức năng được nhập lậu hoặc xách tay đang được buôn bán tràn lan trên thị trường. Người mua khó phân biệt được thuốc thật hay giả, đến cơ quan chức năng cũng không phân biệt được bằng mắt thường”, lãnh đạo C74 cho biết.
Ẩn chứa nguy hiểm
Từ cuối năm 2015 đến nay, Trung tâm khu vực về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR) đặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận hơn 1.000 báo cáo tự nguyện về phản ứng thuốc và chất lượng thuốc, nhưng không thể xác định được chắc chắn nguyên nhân là do thuốc giả và kém chất lượng. Thí dụ như tháng 12.2015, một điều dưỡng pha 10 ml nước cất vào lọ Laxaze 2 g, sau đó rút kim ra lắc thì đột ngột thuốc nổ tung, mảnh vỡ văng nhiều nơi và văng vào tóc bệnh nhân. Cũng trong tháng 12.2015, thuốc lấy ra từ kho của một bệnh viện không có tiêu chuẩn chất lượng, không số lô, không hạn dùng, không ngày sản xuất trên nhãn vỏ hộp. Có trường hợp các viên thuốc bị nổ, bung bột ra khỏi vỏ nang. Một số trường hợp, thuốc sau khi pha với dung môi, lọ thuốc có màu vàng cam bất thường…
TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cảnh báo các loại thuốc này thường không qua kiểm nghiệm, không được kiểm soát về chất lượng nhưng được các nhà thuốc bán, phối hợp thuốc vô tội vạ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho người dùng.
Trước tình trạng trên, theo PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tình hình thuốc lậu rất khó kiểm soát khi chế tài chưa đủ nghiêm, nhân lực thanh tra y tế thì mỏng. Nếu nhà thuốc vi phạm bán thuốc lậu 2, 3 lần thì phải tính như thế nào chứ không thì phạt nhẹ như gãi ngứa, không thấm vào đâu so với tiền lời bán thuốc lậu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.