Quảng Nam: Vùng hạ du lại ngập nặng nhiều nơi
Theo ghi nhận của Thanh Niên, đến đầu giờ chiều nay (14.12), nhiều khu vực ở các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn… mực nước ở các sông đang lên rất nhanh, nhiều nơi bị nước lũ ngập gây chia cắt cục bộ.
Tại các xã Đại An, Đại Cường, Đại Lãnh… (H.Đại Lộc), nhiều khu vực bị ngập sâu gần 1 mét. Tại làng rau Bàu Tròn (thuộc xã Đại An), nhiều diện tích rau màu bị ngập trong nước lũ. Một số tuyến đường thuộc các thôn Phước Yên, Bầu Tròn bị ngập sâu từ 0,5-1m.
Tại xã Đại Cường nhiều tuyến đường bị ngập sâu, nhiều khu vực bị chia cắt, người dân phải dùng ghe thuyền để di chuyển. Tuyến đường ĐT609 nối xã Đại Hưng và Đại Lãnh, đoạn qua cầu Ba Khe 3 bị ngập hơn 1m. Nhiều ô tô, xe tải khi đi qua khu vực này bị chết máy, giao thông bị tê liệt.
|
Ông Trần Quốc Đạt, Chủ tịch UBND xã Đại Cường, cho biết khoảng 7 giờ hôm nay (14.12), nước lũ đã dâng nhanh gây ngập cục bộ nhiều nơi. “Sau trận lũ cách đây 10 ngày, bây giờ nhiều diện tích hoa màu bà con vừa mới xuống giống đã bị ngập trở lại”, ông Đạt nói.
Một số hình ảnh ngập lụt nghiêm trọng tại Quảng Nam.
|
|
|
|
Lâm Đồng: Người dân trở tay không kịp
Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày nên đập chứa nước Kala (xã Bảo Thuận, H.Di Linh, Lâm Đồng) phải xả lũ khiến nhiều nhà cửa, cà phê, hoa màu của người dân các xã Bảo Thuận, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh… ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nghiêm trọng.
|
Thông tin ban đầu, khoảng 22 giờ 30 ngày 13.12, hàng chục hộ dân quanh đập chứa nước Kala khốn đốn và trở tay không kịp khi nước ào về nhấn nhiều nhà cửa, cây trồng. Đặc biệt, nhiều lượng lớn cà phê đang được người dân phơi trên đường, trong sân bị nước cuốn trôi gây thiệt hại nghiêm trọng.
Ghi nhận của PV Thanh Niên, 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc đập Kala xã nước là xã Bảo Thuận và Gung Ré. Tại các địa phương này, ngoài nhiều nhà cửa, cây trồng (chủ yếu là cà phê) bị nước nhấn chìm thì nhiều bạt cà phê của người dân chưa kịp thu dọn đã bị nước cuốn sạch.
|
Trao với chúng tôi, ông Trần Đức Công, Phó Chủ tịch UBND H.Di Linh, cho biết: “Tuy chưa thể thống kê, nhưng số lượng người dân có cà phê đang phơi bị nước cuốn trôi là rất lớn. Hiện, huyện đã thành lập đoàn kiểm tra đi thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ cho các hộ dân. Còn về việc đập chứa nước Kala xả lũ đúng hay sai, có thông báo cho người dân hay không UBND huyện đang xác minh vụ việc”.
Thừa Thiên - Huế: Một người dân tử vong vì lũ cuốn
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT - TKCN ngày 14.12, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục hứng đợt mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa phổ biến từ 170 - 389 mm, từ 11 đến 15 giờ ngày 14.12; dự báo mưa lớn còn diễn ra trong những ngày tới.
|
Mưa lũ đã khiến một người dân ở tỉnh này thiệt mạng. Đó là ông Phạm Minh Trí, 40 tuổi, ở xã Hồng Tiến, TX.Hương Trà. Thông tin ban đầu được biết, trong khi đi chăn bò qua Khe Thái (thuộc thôn 3, Hồng Tiến) thì ông Trí bị lũ cuốn.
Từ chiều 14.12 tuyến tỉnh lộ 19 đoạn qua Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ (H.Quảng Điền) đã bị lũ chia cắt khiến nhiều người không thể đến trung tâm huyện Quảng Điền, tuyến đường Bao Vinh về thị trấn Sịa cũng bị nước lũ chia cắt; hàng trăm hecta rau màu ở vựa rau lớn của tỉnh ở xã Quảng Thành (H.Quảng Điền) bị ngập…
|
Tại TP.Huế, đến chiều tối 14.12 nước đã tràn từ sông An Cựu lên hai đường Phan Đình Phùng và Phan Chu Trinh; hàng chục tuyến đường trong thành phố bị ngập cục bộ. Các trường học đã cho học sinh nghỉ học từ giữa giờ chiều 14.12.
|
Bình luận (0)