Truy đến cùng vụ Formosa xả thải ra biển

04/08/2016 15:50 GMT+7

Đó là khẳng định của Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh tại cuộc tiếp xúc cử tri báo cáo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 14 của Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng vào ngày 4.8.

“Formosa xả thải là tội ác…”

Cử tri Đặng Vân (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu) mở đầu cuộc trao đổi ý kiến bởi vụ việc Formosa xả thải ra biển gây ô nhiễm trầm trọng tại miền Trung.

Ông Vân đề nghị làm rõ việc ai đã phê duyệt báo cáo tác động môi trường, ai đã cấp phép dự án đến 70 năm và đặt vấn đề có nên cho dự án này tiếp tục tồn tại hay không khi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Cử tri Đặng Vân (P.Hòa Cường Bắc, Q.Hải Châu) bức xúc trước việc Formosa gây ô nhiễm biển nghiêm trọng ẢNH: HOÀNG SƠN

“Trong vòng 50 - 70 năm tới, có chắc và ai bảo đảm Formosa không xả thải ra môi trường biển nữa”, ông Vân nói và cho biết không đồng tình trước việc chuyển ngành nghề cho ngư dân sau sự cố môi trường.

“Ngư dân bám biển có cái lợi trong bảo vệ ngư trường, chủ quyền biển đảo nên đề nghị bảo đảm an toàn cho ngư dân đi đánh bắt chứ không thể để tàu Trung Quốc xua đuổi, bắt bớ làm thiệt hại nhiều tài sản. Chúng tôi rất bức xúc trước việc này”, ông Vân nói thêm.

Cử tri Nguyễn Mậu Dự, P.An Hải Đông (Q.Sơn Trà) cho rằng, Formosa xả thải là tội ác chứ không phải là vấn đề chỉ xử phạt hành chính.

“Tội ác ở đây là tội ác giết người, mà không chỉ giết một người mà hàng triệu người, không phải chỉ một thế hệ mà nhiều thế hệ. Đề nghị Quốc hội nên hình sự hóa những vi phạm về môi trường kiểu như Formosa", ông Dự nói.

Đồng quan điểm, cử tri Lê Tưởng (P.Mỹ An, Q.Ngũ Hành Sơn) cho rằng, nhà đầu tư Formosa là một nhà đầu “bất hảo” trên thế giới và nhiều nước đã rất cảnh giác.

Cử tri Trà Thanh Lợi (P.An Hải Đông, Q.Sơn Trà) đã kiến nghị xem xét trách nhiệm của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh ẢNH: HOÀNG SƠN

Đặt vấn đề hiện độc tố do Formosa xả ra biển đã tràn lan ra các tỉnh khác chứ không riêng gì biển 4 tỉnh miền Trung, cử tri Nguyễn Quang Thanh (trú tại P.Thuận Phước, Q.Hải Châu) nêu ý kiến, nếu Formosa vi phạm lần nữa thì sẽ xử lý như thế nào? “Có đóng cửa được không. Vì ông này đã có “thương hiệu” ô nhiễm môi trường biển của thế giới”, ông Thanh nói.

Đề cập đến trách nhiệm vụ việc này, cử tri Trà Thanh Lợi (P.An Hải Đông, Q.Sơn Trà) đã kiến nghị xem xét trách nhiệm của nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vì đã ký quyết định chấp thuận đầu tư.

“Nếu tái phạm sẽ đóng cửa”

Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhìn nhận, sự cố môi trường do Formosa gây ra là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng môi trường không chỉ trước mắt mà về lâu dài.

“Khắc phục hậu quả rất gian truân rất vất vả, suốt từ Vũng Áng đến Lăng Cô. Trong phạm vi vài chục km tôm cá không còn”, ông Huynh nói.

Trả lời về việc chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân, ông Huynh cho biết, chuyển đổi nghề nghiệp tức là chuyển sang đánh bắt xa bờ chứ không gần bờ, và chuyển đổi cho một bộ phận chứ không chuyển đổi tất cả.

Các cử tri tỏ ra bức xúc và đề nghị đóng cửa dự án Formosa ẢNH: HOÀNG SƠN

Ông Huynh cũng thông tin, ngành chức năng đã đấu tranh quyết liệt buộc Formosa nhận trách nhiệm và phải cúi đầu xin lỗi Chính phủ và nhân Việt Nam, phải bồi thường 500 triệu USD…

“Những gì Formosa đã cam kết thì phải thực hiện, phải kiểm tra chặt chẽ. Sự cố Formosa là bài học lớn, đau xót, cay đắng để chúng ta không được quên rằng phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường”, ông Huynh nói.

Ông Đinh Thế Huynh khẳng định chủ trương của lãnh đạo T.Ư là làm rõ trách nhiệm cụ thể trong vụ việc Formosa xả thải ẢNH: HOÀNG SƠN

Về xử lý trách nhiệm liên quan đến vụ việc, ông Huynh cho biết, chủ trương lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ là rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quá trình cấp phép, phê duyệt dự án. Đặc biệt là phê duyệt hệ thống xả thải. Ai vi phạm thì xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

“Không phải là lên báo ông cãi mấy câu, ông chống chế là xong việc đâu. Cứ để kiểm tra, làm rõ. Anh nói rằng tôi ký là vì có 12 bộ, ngành đã đồng ý vậy thì kiểm tra có đúng không? Luật quy định là 50 năm, trường hợp đặc biệt là 70 năm thì trường hợp này có phải là đặc biệt hay không, phải có căn cứ. Cơ quan nào đánh giá tác động môi trường? Đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của khối lượng lớn chất thải ra môi trường không? Tiêu chuẩn môi trường đã đúng quy định pháp luật chưa? Đặc biệt, hệ thống giám sát, quan trắc đề phòng người ta vi phạm, xả thẳng ra môi trường không qua hệ thống xử lý đã đúng chưa?”, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nêu hàng loạt câu hỏi và khẳng định “tất cả phải được làm rõ”.

Phán quyết về biển Đông “cực kỳ có ý nghĩa về mặt pháp lý”
Liên quan đến tình hình biển Đông, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nói: "Phán quyết của tòa cực kỳ có ý nghĩa về mặt pháp lý. Phán quyết của tòa là căn cứ, tiền đề cho các nước ven biển Đông đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.