Sáng cùng ngày (27.7), Trần Văn Cường (32 tuổi), Bùi Minh Trang (27 tuổi), Bùi Minh Trường (28 tuổi, cùng trú xã Cam An, H.Cam Lộ) đã gửi đến các cơ quan chức năng (gồm Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, Viện KSND H.Cam Lộ...) tố cáo Công an H.Cam Lộ tạm giữ người trái luật và dùng nhục hình.
|
Dân tố công an giữ người trái luật
Theo tường trình của Cường, Trang và Trường, tối 21.7, 3 người này bị tạm giữ ở các phòng làm việc của công an H.Cam Lộ, bị còng tay liên tục từ đó đến tối 26.7 mới được thả ra, trước sức ép của gia đình họ.
Bùi Minh Trang còn khẳng định cán bộ công an liên tục dùng mũ bảo hiểm và dùi cui đánh vào đầu và người mình.
Cũng theo 3 thanh niên này, mặc dù được thả ra vào 19 giờ ngày 26.7 nhưng trong các văn bản của Công an H.Cam Lộ lại ghi là ngày 23.7 nên họ đã không đồng ý và có phản ứng ngay khi thả ra.
Trong đêm 26.7, Viện kiểm sát nhân dân H.Cam Lộ đã có mặt lập biên bản vụ việc, xác nhận việc thả người là vào ngày 26.7.
tin liên quan
Uống thuốc độc tự tử, để lại thư tuyệt mệnh tố công an xã ‘bạo hành’Sau khi làm việc với công an xã, một người đàn ông đã về nhà, sau đó chốt kín cửa uống thuốc độc tự tử.
Trước đó, tối 21.7, Lê Sĩ Tam Sinh (20 tuổi, cùng trú xã Cam An, H.Cam Lộ) cùng một người tên Trần Đức Thắng có gây gổ với 2 cán bộ công an đang làm nhiệm vụ bảo vệ hiện trường một vụ chập điện tại xã Cam An.
Sau khi bỏ chạy khỏi hiện trường vụ chập điện, Sinh và Thắng cùng 1 nhóm thanh niên (trong đó có Cường, Trang, Trường) quay lại vây Trạm công an Sòng để tìm một cán bộ công an "hỏi cho ra lẽ" chuyện mà theo Sinh là cán bộ này dùng roi điện dí Sinh và Thắng trước đó
Khoảng 15 phút sau, Công an H.Cam Lộ đã tổ chức lực lượng giải tỏa hiện trường, đưa Cường, Trang, Trường về trụ sở.
|
“Do các đương sự tự nguyện ở lại”
Đó là giải thích của thượng tá Phạm Hữu Dưỡng, Phó trưởng Công an H.Cam Lộ về vụ việc. Theo thượng tá Dưỡng, các thanh niên nêu trên là các đối tượng bất hảo, có tiền án tiền sự. Trong vụ việc cụ thể xảy ra vào đêm 21.7, nhóm thanh niên này đã xúc phạm, tập trung đông người để uy hiếp lực lượng công an. Thượng tá Dưỡng nhận định đây là dấu hiệu của tội gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ.
Thượng tá Dưỡng cho hay, sau khi “mời” Cường, Trang, Trường lên làm việc, đơn vị đã làm thủ tục tạm giữ hành chính tại phòng trực ban của Công an huyện trong 1 ngày 1 đêm.
“Các đối tượng sau đó đã nhận thức ra hành vi sai phạm của mình nên đã viết đơn xin tự nguyện ở lại trụ sở công an huyện để hợp tác, phục vụ công tác làm rõ chứ Công an H.Cam Lộ chưa bắt ai cả mà chỉ mời lên làm việc vì muốn bắt phải có lệnh”, thượng tá Dưỡng nói.
Thượng tá Dưỡng cũng khẳng định, không có chuyện cán bộ cấp dưới ép cung, đánh đập các thanh niên nêu trên trong 5 ngày bị tạm giữ.
Về tờ đơn xin “tự nguyện ở lại”, 3 thanh niên trên xác nhận là có nhưng cho hay là do các điều tra viên đọc nội dung và cả 3 cùng chép lại, ký tên.
Cũng theo thượng tá Dưỡng, hiện tại, Công an H.Cam Lộ đang cũng cố hồ sơ tài việc của vụ việc, cân nhắc tính chất mức độ của vụ việc để tiến hành các bước tiếp theo.
Trình bày quan điểm về vụ việc, luật sư Trần Đức Anh, Văn phòng luật sư Trần và cộng sự, cho rằng trong pháp luật không có quy định nào về cái gọi là “đơn tự nguyện xin ở lại” trụ sở công an để phối hợp điều tra. |
Bà Nguyễn Thị Trang (mẹ của Lê Sĩ Tam Sinh) cho biết trưa 25.7, Công an H.Cam Lộ phát giấy mời về gia đình yêu cầu Sinh đúng 14 giờ ngày 26.7 lên trụ sở công an huyện để làm việc.
Tuy nhiên, theo bà Trang, lúc 20 giờ đêm 25.7, hàng chục công an H.Cam Lộ đã đến nhà bà để bắt Sinh mà không hề có lệnh bắt.
“Do gia đình chúng tôi làm dữ quá nên cuối cùng mấy ông công an mới chịu ra về và con trai tôi đã lên làm việc với công an huyện đúng hẹn là chiều 26.7”, bà Trang nói.
Liên quan đến việc tổ chức lực lượng "hùng hậu" trong đêm để “mời” Sinh lên trụ sở làm việc, thượng tá Phạm Hữu Dưỡng, Phó trưởng Công an H.Cam Lộ cho hay vì trước đây Sinh và các thanh niên trong địa bàn đã có thái độ chống đối nên công an phải đi đông người để đề phòng sự cố lặp lại.
|
Bình luận (0)