Cùng đi trong đoàn có Phó chủ tịch HĐND TP.HCM Phạm Đức Hải; Phó chủ tịch UBND TP.HCM Huỳnh Cách Mạng; Phó chủ tịch MTTQ VN TP.HCM Nguyễn Thành Trung…
Đoàn đã đến thăm, chúc tết, tặng quà cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân, Cảng quốc tế Cam Ranh, Lữ đoàn tàu ngầm 189 Hải quân, 2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ, gia đình chị Trần Thị Thu (ngụ tại P.Cam Nghĩa, TP.Cam Ranh; là vợ của đại úy Lê Văn Tương, Chính trị viên đảo Tốc Tan, thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa).
Chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Hải quân, ông Đinh La Thăng mong muốn các cán bộ, chiến sĩ huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm, làm chủ vũ khí trang bị, sẵn sàng chiến đấu cao nhằm tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ông Đinh La Thăng khẳng định Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM luôn sát cánh với các lực lượng vũ trang, trong đó có các đơn vị Hải quân; sẽ không ngừng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Báo cáo với đoàn công tác, đại tá Hoàng Lương Ngọc, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 189 Hải quân (thuộc Quân chủng Hải quân) cho biết, các tàu ngầm mang tên TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và Khánh Hòa sau khi tiếp nhận, đến nay đã được Bộ Quốc phòng đưa vào đội hình chiến đấu. Riêng tàu ngầm mang tên Bà Rịa - Vũng Tàu đang trên đường về Quân cảng Cam Ranh, dự kiến ngày khoảng cuối tháng 1.2017 sẽ đến nơi.
“Ngay từ khi thành lập (20.6.2011) đến nay, các bộ, chiến sĩ lữ đoàn luôn nỗ lực quyết tâm học tập, rèn luyện với tinh thần và trách nhiệm cao nhất, đoàn kết khắc phục khó khăn, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện tiếp nhận, khai thác làm chủ vũ khí trang bị trên tàu ngầm. Hiện lữ đoàn đã hoàn thành nội dung huấn luyện cho 5 tàu ngầm, các thủy thủ đã đủ khả năng khai thác, làm chủ vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật, hoạt động độc lập trên các vùng biển, tổ chức nhiều chuyến đi biển huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ với hàng chục ngàn hải lý an toàn tuyệt đối, hoạt động ngầm liên tục nhiều giờ, lặn sâu đến gần độ sâu tối đa của tàu ngầm (gần 300m)”, đại tá Hoàng Lương Ngọc cho biết thêm.
Theo đại tá Hoàng Lương Ngọc, ngoài huấn luyện cho các kíp tàu ngầm chính, lữ đoàn đã đào tạo thành công kíp tàu ngầm số 7. Các thủy thủ của kíp tàu ngầm này đã đủ khả năng đảm nhiệm thay thế các kíp tàu ngầm chính thức trong việc thực hiện các nhiệm vụ cấp trên giao.
Hiện nay lữ đoàn tiếp tục đào tạo thêm 2 kíp tàu ngầm mới (kíp số 8 và số 9). Qua đó, khẳng định chúng ta có đủ năng lực và khả năng đào tạo các thủy thủ tàu ngầm mà không cần phải gửi đi học ở nước ngoài, giảm gánh nặng về ngân sách.
Bình luận (0)