Vụ 7 người chết, 24 người nhập viện vì ngộ độc: Do uống rượu có methanol vượt 5.000 lần quy định

Đến chiều 15.2, ngành chức năng tỉnh Lai Châu và Bộ Y tế đã xác định nguyên nhân sự việc khiến 7 người dân chết tại địa bàn xã Ma Ly Chải (H.Phong Thổ, Lai Châu) là do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh, huyện, các ban ngành của H.Phong Thổ (Lai Châu) tại trụ sở UBND xã Ma Ly Chải ngày 15.2, bác sĩ Cao Văn Trung, Phó phòng Ngộ độc Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết vụ ngộ độc xảy ra ở đám tang ông Phu Vần Lèng, ngoài các nạn nhân tử vong ngày 10 và 13.2, trong số 30 nạn nhân còn lại đã được chuyển lên các bệnh viện huyện, tỉnh có 10 người đã được chuyển tới cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hôm 14.2. "Nguyên nhân ngộ độc được xác định là do uống rượu có pha cồn công nghiệp methanol", ông Trung khẳng định và cho biết đây là hóa chất rất nguy hiểm, gây tổn thương nội tạng khi sử dụng. Sau khi làm xét nghiệm đối với 10 bệnh nhân tại BV Bạch Mai, các bác sĩ xác định bệnh nhân không tử vong nhưng có thể sẽ phải gánh hậu quả nặng nề sau này, như mù mắt.
Chiều cùng ngày, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết kết quả kiểm nghiệm mẫu rượu cùng ngày của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy 3 mẫu rượu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lai Châu (lấy tại vụ ngộ độc nói trên) có cồn công nghiệp ở mức rất cao. Cụ thể, hàm lượng methanol là: 970 mg/lít cồn 100 độ; 556.000 mg/lít cồn 100 độ và 475.000 mg/lít cồn 100 độ. Trong khi theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống có cồn (QCVN 6-3:2010/BYT) và Tiêu chuẩn quốc gia về rượu trắng (TCVN 7043:2013), hàm lượng methanol trong rượu không lớn hơn 100 mg/lít cồn 100 độ.
Niêm phong rượu của các hộ bán
Ông Dương Đình Đức, Phó chủ tịch UBND H.Phong Thổ, cho biết ngay sau khi xảy ra sự việc, ngành y tế của tỉnh đã nghi ngờ ngộ độc do rượu nên đã chỉ đạo các lực lượng công an, Bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương của 8 xã biên giới thuộc huyện thông báo đến từng người dân, thôn bản việc hạn chế uống rượu, nếu có uống thì sử dụng loại biết rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền, ổn định tinh thần người dân.
Theo đại tá Nguyễn Xuân Kiên, Trưởng công an H.Phong Thổ, nguồn gốc rượu uống tại gia đình ông Phu Vần Lèng (thôn Tả Chải, xã Ma Ly Chải) là từ chợ trung tâm xã Sì Lờ Lầu. Ngay trong ngày 14.2, công an đã kiểm tra, niêm phong toàn bộ số rượu đang cất giữ tại 7 hộ có bán rượu ở Sì Lờ Lầu và thu giữ toàn bộ số rượu còn lại trong gia đình ông Phu Vần Lèng (gần 30 lít). "Nếu có chứng cứ, chúng tôi sẽ ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra", đại tá Kiên khẳng định.
Về nguồn gốc rượu, chiều 15.2, khi chúng tôi có mặt tại cửa hàng tạp hóa Dìn Hương ở chợ trung tâm xã Sì Lờ Lầu (Phong Thổ, Lai Châu), nơi gia đình ông Phu Vần Lèng mua rượu đãi bà con trong xóm, chị Phùng Thị Hương (23 tuổi), chủ cửa hàng cho biết bán hàng từ năm 2013, cung cấp tạp hóa, thực phẩm, bia rượu... Riêng rượu gia đình tự nấu ở phía sau nhà, đặc biệt nấu nhiều vào dịp trước và sau tết với số lượng khoảng 60 lít/ngày. Rượu nấu theo cách thức của người Dao đỏ, nước lấy trên rừng về, gạo và men nấu mua từ dưới Mường So (Phong Thổ) mang lên, bán với giá 20.000 đồng/lít.
Đáng lưu ý, theo ông Tẩn Phủ Quẩy (70 tuổi), nguyên Bí thư - Chủ tịch UBND xã Sì Lờ Lầu, nhiều người dân khu vực giáp biên như Sì Lờ Lầu, Ma Ly Chải rất hay mua rượu, bia, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày do người Trung Quốc mang sang bán ở chợ phiên Sì Lờ Lầu (6 ngày họp chợ 1 lần). "Dân dùng bia, rượu Trung Quốc vì rẻ hơn. Một số gia đình nấu rượu, cũng từ men làm từ bên Trung Quốc", ông Quẩy cho biết.
81 người bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cưới
Chiều 15.2, đoàn công tác của Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã tới H.Hoàng Su Phì nắm tình hình, lấy mẫu bệnh phẩm, xác minh nguyên nhân và chỉ đạo công tác cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng vừa xảy ra trên địa bàn.
Tối cùng ngày, ông Hoàng Đình Dích, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang, đang có mặt tại Bệnh viện đa khoa H.Hoàng Su Phì, cho biết đã có 81 người bị ngộ độc thực phẩm phải nhập viện, trong đó 66 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa H.Hoàng Su Phì và 15 bệnh nhân điều trị tại Trạm y tế xã Đản Ván (H.Hoàng Su Phì).
Theo thông tin ban đầu, sáng 13.2, gia đình ông Hoàng Văn Kim (ngụ thôn 3, xã Đản Ván, H.Hoàng Su Phì) tổ chức đám cưới cho con trai. Sau khi ăn cỗ cưới, ông Lèng Seo Sằm (ngụ xã Đản Ván) bị đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn, mệt mỏi, đau bụng, đi ngoài nhiều lần, được gia đình đưa đến trạm y tế xã khám và điều trị. Sau ông Sằm, tính đến chiều 15.2 đã có thêm 62 người phải vào cấp cứu tại Trạm y tế xã Đản Ván... Nhận được tin báo, Sở Y tế tỉnh Hà Giang chỉ đạo Trung tâm y tế H.Hoàng Su Phì và Bệnh viện đa khoa H.Hoàng Su Phì tổ chức khám sàng lọc, điều xe cấp cứu đưa các bệnh nhân tiên lượng vừa về Bệnh viện đa khoa H.Hoàng Su Phì điều trị.
Bình Minh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.