Vụ tai nạn thảm khốc ở Bình Thuận: Tang tóc phủ quê nghèo

Liên quan vụ tai nạn thảm khốc làm 12 người chết, 40 người bị thương ở Bình Thuận, các cơ quan chức năng đã xác định được danh tính những nạn nhân quê Quảng Ngãi, gồm 9 người chết và 11 người bị thương.

Hầu hết những nạn nhân này cùng đi trên chiếc xe khách BS 51B-112.24 của Hãng xe Phương Trang (chạy từ Quảng Ngãi vào TP.HCM).
Các nạn nhân tử vong gồm: bà Nguyễn Thị Liên (75 tuổi, ở xã Nghĩa Hà, H.Tư Nghĩa), Lê Thị Thanh Doanh (54 tuổi, xã Đức Chánh, H.Mộ Đức), Võ Thị Xuân (52 tuổi, xã Đức Chánh, H.Mộ Đức), Trần Quốc Anh (29 tuổi, P.Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi), Nguyễn Văn Nghĩa (33 tuổi, xã Tịnh Thọ, H.Sơn Tịnh), Võ Thị Trà My (32 tuổi, xã Tịnh Hà, H.Sơn Tịnh), Nguyễn Thị Kim Hoa (49 tuổi, ở xã Phổ Vinh, H.Đức Phổ), Lê Công Đạt (24 tuổi, H.Nghĩa Hành), Lê Thị Diệu Huyền (54 tuổi, xã Nghĩa Hiệp, H.Tư Nghĩa).
Trong số 11 người bị thương có 6 người đã xuất viện, 3 người đang được điều trị tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Bình Thuận. Riêng 2 trường hợp là anh Phạm Trần Thanh Tâm và Võ Thanh Hiếu đã được chuyển vào BV Chợ Rẫy, TP.HCM. Trong ngày 23.5, đoàn công tác của tỉnh Quảng Ngãi do Phó chủ tịch UBND tỉnh Phạm Trường Thọ làm trưởng đoàn đã đến BV đa khoa tỉnh Bình Thuận và BV Chợ Rẫy thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân và chia sẻ nỗi đau với các gia đình nạn nhân.
Đau đớn chờ thi thể người thân
Tại Quảng Ngãi, suốt hai ngày qua, ông Võ Thế Hà (54 tuổi, thôn 4, xã Đức Chánh, H.Mộ Đức) vật vã chờ đưa thi thể vợ là bà Lê Thị Thanh Doanh và em ruột là bà Võ Thị Xuân, bị chết cháy trong vụ tai nạn về quê mai táng. Ngồi thẫn thờ, chốc chốc ông Hà lại òa khóc: “Vợ tui cả đời chịu cảnh cơ cực, khi chết thảm thương quá, thi thể không còn lành lặn”.
Cật lực với mấy sào bắp, lúa nhưng cuộc sống gia đình ông Hà luôn sống trong cảnh thiếu thốn. Vì thế, để có tiền nuôi 3 con ăn học, ngoài việc đồng áng, ông Hà còn đi làm phụ hồ, bà Doanh rong ruổi khắp các huyện miền núi bán xoong, nồi. Sau khi người con gái út là Võ Thị Hiếu vào TP.HCM học cao đẳng y dược, áp lực tiền bạc lại đè nặng lên đôi vai vợ chồng ông Hà nên cách đây một năm, bà Doanh rời làng quê nghèo vào TP.HCM bán vé số với hy vọng có đủ tiền lo cho con gái ăn học. Một tháng qua, bà Doanh trở về quê cùng chồng lo thu hoạch vụ lúa đông xuân. Vừa gặt lúa xong, chiều 21.5, bà vội vã đón xe khách vào TP.HCM để tiếp tục bán vé số. Nhưng rồi bà Doanh mãi mãi lìa xa chồng, con. “Trước khi vào TP.HCM, vợ tui mang theo 1,5 tạ gạo, 15 lít dầu phộng, vài trái bí, bầu, là thực phẩm gia đình làm ra mang theo để vào TP khỏi mua, tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó. Ai ngờ đâu cơ sự như thế này”, ông Hà mếu máo.
Nghe tin mẹ chết, Đinh Thị Hồng Diễm (phải) khóc ngất

Cách nhà ông Hà chừng hơn 100 m là nhà của bà Võ Thị Xuân. Tiếng khóc xé lòng của những người con mất mẹ làm nhiều người chứng kiến không cầm được nước mắt. Nhìn vào di ảnh của cha là ông Đinh Văn Hinh, mới chết cách đây 4 tháng vì bệnh ung thư, Đinh Thị Hồng Diễm (25 tuổi), nức nở: “Ba ơi, sao nhà mình lại chịu nhiều tai ương thế này. Làm sao cứu mẹ con sống lại. Trời ơi, 4 anh em tui chẳng còn cha mẹ nữa rồi”. Chỉ có mấy tháng, nỗi đau mất cha vẫn còn hằn sâu trong gia đình này, giờ người mẹ lại chết vì tai nạn khiến mấy anh chị em Diễm ngã quỵ.
Người thân của bà Xuân cho hay, dù bị bệnh thận nhưng vì gia đình nghèo khó nên mấy năm nay bà Xuân chỉ đi khám, mua thuốc ở các cơ sở y tế trong tỉnh về uống. Ngày 21.5, sau khi thấy bệnh tình nặng thêm, bà Xuân gom góp ít tiền dành dụm được rồi cùng với chị dâu bắt xe vào TP.HCM khám bệnh nhưng chỉ đến Bình Thuận thì cả hai chị em bị nạn thương tâm.
Hôm nay bàn giao thi thể các nạn nhân
Trả lời Thanh Niên, đại tá Phạm Thật, Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận, cho biết đến chiều tối qua chỉ còn thiếu một mẫu ADN để đối chứng gien do người thân của nạn nhân chưa đến kịp; còn lại tất cả 9 nạn nhân tử vong đã có nguồn gien đối chứng. Như vậy, ngoài hai thi thể đã bàn giao trước đó, đến chiều tối qua Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã hoàn thành cơ bản việc phân tích ADN và lấy gien của người thân để đối chứng theo chỉ đạo của Bộ Công an. “Dự kiến trong sáng 24.5 sẽ bàn giao thi thể các nạn nhân cho người nhà đem về mai táng”, đại tá Phạm Thật nói.
Trong khi đó, theo Sở GTVT Bình Thuận, qua kiểm tra thông tin từ máy chủ của Sở GTVT TP.HCM và Hà Tĩnh thì trước lúc xảy ra tai nạn, xe Phương Trang BS 51B-112.24 chạy với vận tốc 68 km/giờ và xe Sơn Quy BS 38N-5577 chạy với tốc độ 56 km/giờ. Đoạn đường này được phép chạy tối đa 70 km/giờ nhưng không được phép vượt.
Trong ngày hôm qua, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đi khảo sát 5 “điểm đen” trên QL1 thuộc hai huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân. Sau khi khảo sát, Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Bộ GTVT mở rộng các “nút thắt” giao thông và làm ngay dải phân cách cứng.
Xe khách tông gãy cột điện, 2 người bị thương
Khoảng 14 giờ 15 ngày 23.5, trên tuyến QL1, đoạn thuộc ấp An Trạch, xã An Hiệp, H.Châu Thành (Sóc Trăng), xe khách giường nằm BS 51B-135.03 của Hãng xe Phương Trang chạy từ hướng Hậu Giang về TP.Sóc Trăng bất ngờ leo lên lề đường, băng qua cống thoát nước, tông gãy cột điện trung thế, rồi tông sập lô cốt trạm cân tải trọng xe.
Vụ tai nạn khiến đầu xe khách bị biến dạng, nhiều tấm kính hai bên hông xe vỡ nát, phía trên cột điện trung thế bị đứt dây buộc cổ sứ, 2 hành khách trên xe bị thương. Rất may, thời điểm xảy ra tai nạn, trong lô cốt trạm cân không có người túc trực.
Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, 3 xe cứu hộ được điều tới để cẩu xe khách ra khỏi hiện trường.
Trần Thanh Phong - Huyền Trinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.