Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại

Bằng cách phục hồi dần những gương mặt đang mờ dần theo dòng chảy lịch sử, chúng ta có cơ hội tiệm cận đến một hình dung chính xác nhất về độ đa dạng, sinh động, tương đồng, dị biệt... của đời sống văn hóa trong quá khứ.

LTS: Cái tên Lương Đức Thiệp hầu như đã bị quên lãng hoàn toàn bởi các công trình của ông đã xuất bản từ rất lâu. Nhưng những công trình mang giá trị chân thực, dù trải qua thử thách của thời gian, thì khi được đọc ở thời điểm nào cũng gây sửng sốt, ngạc nhiên vì sự bền vững nhưng tươi mới. Bằng cách phục hồi dần những gương mặt đang mờ dần theo dòng chảy lịch sử, chúng ta có các cơ hội tiệm cận đến một hình dung chính xác nhất về độ đa dạng, sinh động, những tương đồng và dị biệt, của đời sống văn hóa truyền thống trong quá khứ.
Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại là một công trình quan trọng trên hai phương diện lịch sử và xã hội của Lương Đức Thiệp. Quyển sách là một bách khoa thư về mọi mặt đời sống văn hóa, kinh tế, chính trị, tổ chức và sinh hoạt trong xã hội cũng như đời sống trí thức Việt Nam. Tại đó, Lương Đức Thiệp đã kế thừa và phát huy những nghiên cứu xã hội học về một xã hội Việt Nam cổ xưa, nhưng bất kỳ cạnh khía nào của mọi vấn đề đều có những kiến giải cực kỳ hợp lý của riêng ông. Lương Đức Thiệp, luôn giữ một tâm thế của tri thức, đã cố gắng giữ cho được tính trung dung trong các nhận định về lịch sử, để trình bày những nhận định cá nhân trên quan điểm bám sát vào thực tế bản địa. Mở rộng ra, tác giả đã cho người đọc nhìn thấy được “tính cách bình đẳng của nông dân” Việt Nam, một“nền dân chủ làng xã” - đặc điểm nổi trội của “Việt Nam tính”.
Nhân dịp NXB Tri Thức và Công ty CP Sách Tao Đàn ra mắt sách Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại, Thanh Niên xin được trích đăng một số nghiên cứu và nhận định của Lương Đức Thiệp. Mời các bạn cùng theo dõi (tít bài do Thanh Niên đặt).
Bìa cuốn sách Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại

Kỳ 1: Một cuộc cải cách quốc gia thất bại
Sau một thời thịnh trị, nhà Trần (1225-1400) trị vì được 175 năm thì bắt đầu suy rồi trụt đổ. Nhà Hồ (1400-1407) lên kế tiếp.
Nguyên nhân sự suy vong của nhà Trần đã nằm sẵn trong tình thế lịch sử của xã hội Việt Nam thuở bấy giờ chứ đâu riêng ở cách cai trị đổ nát của mấy ông vua cuối triều.
Bao nhiêu vấn đề cấp bách về nội trị và ngoại giao đã dồn dập xã hội Việt Nam đến một cuộc khủng hoảng lớn lao. Nào vấn đề điền địa, nạn nhân mãn, nạn đói kém, giặc giã, thuế khóa, binh bị, học thuật, nạn ngoại xâm đưa ra cấp bách mà triều đình không giải quyết nổi.
Trong các vấn đề cấp bách, vấn đề điền địa là trọng yếu hơn cả. Một phần lớn dân không có đất để cày cấy. Những khoảnh đất bồi dọc ven biển đã nhỏ hẹp lại thường bị phái quý tộc và bọn quan liêu cùng cường hào chiếm đoạt. Dân số đã tăng lên, miền trung châu sông Nhị Hà và phía bắc Trung kỳ không chứa nổi một số dân thừa bị nghẹn đường tiến về phương Nam.
...Triều đình vua Nghệ Tôn lại là một sân khấu cho các quyền thần tranh chấp và mưu đồ việc phế lập. Bộ máy cai trị bị rối loạn. Các tổ chức quốc gia đều rã rời. Quyền trung ương không được kính nể. Luật pháp nhà vua không người tuân. Giặc cướp nổi lên tứ tung. Vua và hoàng gia mải nghe ca hát và các khanh tướng mải yến ẩm để mua vui cho đức vua. Các bậc trung thần nhiều danh vọng như Trương Hán Siêu, Nguyễn Trung Ngạn và Chu Văn An có còn sống cũng không cứu vãn được tình thế nữa.
...Vận mệnh của toàn quốc đang nguy khốn. Cả bộ máy cai trị đều bị hư hỏng, tê liệt. Loạn ly và các cuộc "Cách mạng triều đình" liên tiếp nhau làm tan rã cả lực lượng quốc gia đang tàn phải quy tụ lại.
Một hoạt động ngoại khóa tìm hiểu di sản Thành nhà Hồ của các học sinh xã Vĩnh Long (H.Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) Ảnh: Ngọc Minh
Hồ Quý Ly nhận được rõ ràng tình thế lúc bấy giờ, nên vội đoạt ngôi nhà Trần mong nắm hẳn lấy chính quyền mà hành động. Ở dưới chế độ quân chủ chuyên chế, phi cách ấy không còn cách nào khác nữa.
...Về vấn đề điền địa, họ Hồ đặt ra một chế độ mới để hạn chế việc lũng đoạn đất đai của quý tộc và đại điền chủ. Phàm dân gian ai có trên 10 mẫu ruộng đều phải đem số ruộng thừa nộp giả triều đình để quân phân cho nông dân nghèo. Một mặt họ Hồ lại sai quân sang đánh Chiêm Thành lấy đất Chiêm Động (Quảng Nam) và đất Cổ Lũy (Quảng Nghĩa) để di bần dân vào trong đó khai thác.
Vấn đề điền địa và nạn nhân mãn tạm giải quyết. Đối với vấn đề tiền tệ, họ Hồ cho phát hành những thứ tiền giấy (hội sao) để thay tiền thật mà triều đình cấm dân gian không được tích trữ. Ai có tiền bạc thật phải đem hết nộp trả triều đình, kẻ nào không tuân lệnh đều bị nghiêm phạt như người làm giấy bạc giả vậy.
Nạn tích trữ tiền bạc thật đã trừ, thương mại được khuếch trương và quỹ của triều đình đã đủ tiền để chi phí vào công cuộc cải cách.
Ngoài thuế đinh với thuế điền, họ Hồ lại lập ra những thuế mới đánh vào các thuyền bè qua lại sông bên trong xứ, đánh vào các thứ lâm sản và khoáng sản.
Về thuế đinh các hạng cùng nông đều được miễn.
...Về việc học, họ Hồ đặt các chức Đốc học và Giáo thụ tại các lộ, phủ, châu có công điền của triều đình cấp cho mà hưởng hoa lợi (từ 15 đến 12 mẫu tùy theo chức vị), định lại thể lệ thi cử, và muốn chống lại lối học từ chương viển vông của phái Nho sĩ không thiết thực, họ Hồ đặt ra một môn thi toán pháp trong chương trình.
Định gây lấy một nền học thuật cho dân tộc, họ Hồ là người đầu tiên cho đem dịch kinh Thư ra chữ Nôm để giảng dạy tại khắp nước và cũng là ông vua đầu tiên dám phá bỏ lề lối của các triều đại xưa, mà dùng văn Nôm ngay trong các sớ, biểu và công văn.
Một đoạn Thành nhà Hồ xây bằng đá từ trên dưới 600 năm trước, nay vẫn vững chãi Ảnh: Phạm Ngọc Bằng
Về công cuộc xã hội, họ Hồ đặt ra Y ty để trông nom việc thuốc thang và sửa đổi lại hình luật.
Mọi vấn đề khẩn cấp thuộc về nội trị đã tạm giải quyết, họ Hồ đem toàn lực dồn vào công cuộc đối ngoại, mà trong công cuộc đối ngoại thời ấy, vấn đề võ bị là trọng đại hơn cả.
...Muốn có một đội quân lớn (100.000 quân) để đánh giặc Bắc, họ Hồ lập ra một hộ tịch bắt người trong nước cứ hai tuổi trở lên đều phải ghi tên vào sổ, ai ẩn lậu thì phải nghiêm phạt, để kiểm sát được tường tận dân số mà liệu cách trưng binh.
...Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhà Hồ đã thực hiện được bấy nhiêu cuộc cải cách mong tăng gia lực lượng chiến đấu của quốc gia về mọi phương diện, chính trị, xã hội, kinh tế và võ bị.
Song nhà Hồ không đứng vững. Các bầy tôi cũ của nhà Trần trọng quyền lợi vương triều và quyền lợi đẳng cấp, hơn quyền lợi quốc gia. Bọn sĩ phu bảo thủ dùng phương pháp tuyên truyền trong dân chúng chống lại phong trào cải cách để tìm cớ đầu hàng quân tướng nhà Minh. Sức phản động lan rộng trong xã hội.
Ngoài bị ngoại xâm, trong bị nội phản, Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương thua trận rồi đều bị quân Tầu bắt đem về nước.
Bao nhiêu công cuộc cải cách vừa thành hình chưa đủ thì giờ để trưởng thành đã đổ vỡ tan tành dưới gót quan quân nhà Minh kéo sang giầy xéo lãnh thổ của người Việt Nam.
Ách đô hộ vừa rũ được trong mấy thế kỷ lại đè trĩu xuống vai dân chúng Việt Nam.
Bức trường thành đã đổ. Cả cái chương trình cải tạo quốc gia (của họ Hồ) bị xé tan.
(Đón xem Xã hội Việt Nam từ sơ sử đến cận đại - Kỳ 2: Thánh nào cũng thiêng, thần nào cũng mạnh)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.