Xét xử “đại án” Phạm Công Danh: Bỏ 4.620 tỉ mua ngân hàng vốn âm

30/07/2016 06:24 GMT+7

Sáng 29.7, TAND TP.HCM tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử “đại án” Phạm Công Danh gây thiệt hại cho Ngân hàng TMCP Xây dựng VN (VNCB).

HĐXX thẩm vấn bị cáo Danh về các hành vi cố ý lập hồ sơ khống thực hiện đề án nâng cấp hệ thống Corebanking rút hơn 63 tỉ đồng; lập khống 2 hợp đồng thuê mặt bằng rút 518,6 tỉ đồng; ủy thác đầu tư mua trái phiếu không đúng quy định rút 903 tỉ đồng; vi phạm quy định cho vay khi cho 12 pháp nhân vay gây thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng. Ngay sau khi được chủ tọa yêu cầu đứng lên để bắt đầu thẩm vấn, Phạm Công Danh khá xúc động, vừa trả lời vừa khóc. Danh thừa nhận các sai phạm của mình nhưng đề nghị HĐXX xem xét nguyên nhân, bối cảnh dẫn đến phạm tội.
Tại tòa, bị cáo Danh khai mặc dù trên giấy tờ Ngân hàng TMCP Đại Tín là của nhóm bà Phấn nhưng thực tế ông Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương - Ocean Bank) trực tiếp quản lý. Do đó, mọi giao dịch, thỏa thuận Danh đều làm việc với ông Thắm. Danh khai ban đầu ông Thắm muốn mua VNCB để sáp nhập vào Ocean Bank nhưng Ngân hàng Nhà nước không cho phép một tổ chức, cá nhân sở hữu 2 ngân hàng đều bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt, nên ông Thắm gợi ý Danh mua lại. “Ông Thắm nhận của bị cáo 500 tỉ đồng. Tiền này có giấy tờ thể hiện”, bị cáo trình bày trước HĐXX.
Ngoài ra, Danh khai đã bỏ ra khoảng 4.620 tỉ đồng để mua lại cổ phần của nhóm bà Phấn nhưng mới trả được khoảng 3.600 tỉ đồng. Về nguồn tiền trả, Danh khai là tiền từ VNCB, Danh có được do vay lại của nhóm bà Bích.
“Bị cáo suy nghĩ thế nào mà lại bỏ ra khoảng 4.620 tỉ đồng để mua một ngân hàng có vốn chủ sở hữu âm?”, chủ tọa hỏi. Danh trả lời: “Thời điểm đó, Tập đoàn Thiên Thanh của bị cáo đang hoạt động rất tốt, trong tay bị cáo có nhiều bất động sản không bị thế chấp cũng như tiền mặt ở một số ngân hàng khác. Bị cáo tin thực lực tài chính của mình cũng như sự hậu thuẫn kiến thức của bị cáo Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) thì bị cáo có thể vực dậy ngân hàng và có thụ hưởng về sau. Hơn nữa, thời điểm chuyển nhượng, 95% tổng dư nợ của ngân hàng đều có tài sản đảm bảo, cụ thể có 2 bất động sản ở Q.2, H.Nhà Bè (TP.HCM) có giá trị là nhiều ngàn tỉ đồng. Bị cáo tự tin khi bất động sản ấm lên, bán được tài sản thì mọi việc được giải quyết”.
“Vậy tại sao bị cáo không làm thế?”, chủ tọa tiếp tục hỏi. Danh trả lời: “Thực sự mà nói, bị cáo đã không thắng nổi bản thân mình dẫn đến hậu quả ngày hôm nay. Khi tiếp quản VNCB, tình trạng của ngân hàng là “cấp cứu” đặc biệt, mất khả năng thanh khoản. Bị cáo cũng bỏ ra 2.000 tỉ đồng để chi chăm sóc khách hàng, vực dậy ngân hàng nhưng do không thu được nợ cũ của một số doanh nghiệp, không huy động được nguồn vốn, không cho vay ra được nên buộc bị cáo phải làm những việc trái với quy định pháp luật”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.