Đó là thôn Nội Lăng, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên. Ngơ ngẩn là từ nhẹ nhất chúng tôi dùng để miêu tả những cảnh đời, những số phận mình vô tình bắt gặp trong một lần đi tác nghiệp tại nơi này.
Từ đường dây nóng của Báo Thanh Niên, chúng tôi tìm đến thôn Nội Lăng tìm gặp cụ Bùi Thị Oanh, 79 tuổi, nhưng đang phải nuôi một con gái 37 tuổi bị khoèo chân đang một mình nuôi con 4 tuổi; một con gái 40 tuổi tên Đào Thị Thương bị thần kinh, chị này không chồng mà có một đứa con gái, năm nay 17 tuổi cũng ngơ ngác. Cháu cao lớn, khỏe mạnh thể xác nhưng trí não không bằng một đứa trẻ lên 5 tuổi. Ngày ngày, hai mẹ con chị Thương đi quét chợ, buổi tối, mấy mẹ con bà cháu tá túc trong một gian nhà tăm tối, xác xơ ở góc làng. Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là thảm cảnh nhất làng này.
|
Từ cửa nhà cụ Oanh, bước ra vài bước chân, chúng tôi hốt hoảng khi gặp một người đàn ông chừng ngoài 50 tuổi cởi trần, mặc độc một chiếc quần đùi, tóc tai bù xù đang bám chặt vào thanh sắt kêu lên: “Cho xin điếu thuốc!”. “Nhà” của người đàn ông là 2 mét vuông được quây kín bằng sắt, nền nhà bừa bãi giẻ rách, cơm, thức ăn thừa, phân, nước tiểu, tất cả đang bốc mùi xú uế nồng nặc.
Ông Đào Ngọc Diệp, trưởng thôn Nội Lăng cho hay người đàn ông tên Màu, bị thần kinh từ năm mới lọt lòng. Càng lớn, ông Màu càng khó kiểm soát hành vi của mình, ông khiến trẻ con, người lớn trong làng khiếp sợ, bố mẹ đẻ của ông đã già yếu bất lực, đành nhốt con trai vào cũi sắt, ngày ngày đưa cơm qua khe cửa cho con. Lòng đau đớn, nhưng không còn cách nào tốt hơn.
tin liên quan
Người 27 năm sống trên dây(TNO) Một người đàn ông ở phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh), bị bại liệt 47 năm và sống trên những sợi dây treo trên giường trong 27 năm.
Cách nhà ông Màu vài nóc nhà nữa là đến trường hợp của một nam thanh niên 27 tuổi, từ lúc sinh ra cho tới bây giờ chỉ biết ngồi một chỗ, hai mắt lồi ra, lưỡi không thể ngậm lại bình thường. Hình hài quái dị của nam thanh niên này khiến người dân làng sợ hãi, lảng tránh, chỉ có cha mẹ anh vẫn ngày ngày nuốt nước mắt vào trong bón cơm cho anh. Họ không biết, khi họ từ giã cuộc đời này, ai sẽ giúp con trai họ sống nốt kiếp người cơ cực còn lại.
Trưởng thôn Nội Lăng nguyên là Phó trưởng công an xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ đã nghỉ hưu. Nhấp một ngụm trà, ông Đào Ngọc Diệp nhìn xa xăm: “Trong những người ngơ ngẩn trong làng, có một vài người là cha mẹ tham gia thanh niên xung phong thời chống Mỹ, có thể sinh con bị ảnh hưởng chất độc da cam, nhưng phần lớn thì trong nhà không có ai đi bộ đội cả. Tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao trong một thôn chỉ vài chục nóc nhà mà đếm sơ sơ đã đến 16, 17 trường hợp người cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn”.
|
Làng Nội Lăng khá chật, nhà nọ san sát nhà kia, ao hồ cũng bị lấp cả để lấy đất cho người ta dựng nhà cửa, một cây đa cổ thụ trong làng cũng bị chặt bỏ, không biết lý do vì sao. Làng chật, đông người, lại ít cây, mỗi lần bước đến cuối làng, nơi những người ngơ ngẩn đang trả nợ nốt kiếp này thấy không khí nặng nề lắm. Trong màu sương của tháng 11, người ta thấy mùi của kiếp khổ đau.
Bà cụ Oanh tôi nhắc đến ở trên, lúc chúng tôi ra về cứ nắm tay rất chặt, cụ cảm ơn số tiền tôi gửi biếu và cứ thắc thỏm: “Tôi chỉ lo, mình chết đi, mà tôi chắc sắp chết rồi, con tôi, cháu tôi ai nuôi, chúng khổ lắm cô ơi”. Mùa đông miền Bắc, gió rét đến sớm, cụ Oanh đi chân đất, lưng còng rạp, mắt mờ đục, trong đôi mắt đấy chúng tôi nhìn không rõ là nước hay là sương nữa…
Bình luận (0)