Trong cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi, đa số cử tri Đan Mạch quyết định tiếp tục giữ khoảng cách chứ không xích lại gần hơn nữa với EU.
Thủ tướng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen rời phòng bỏ phiếu trưng cầu dân ý ở trường Nyboder tại thủ đô Copenhagen ngày 3.12.2015 - Ảnh: Reuters |
Cụ thể là Đan Mạch vẫn giữ nguyên những đặc quyền đặc lợi về chính sách đối nội, an ninh và tư pháp.
Khi xưa, EU buộc phải dành cho Đan Mạch những ưu đãi riêng này để đổi lấy sự phê chuẩn của họ đối với Hiệp ước Maastricht. Khi ấy, người dân Đan Mạch đã có tâm lý lo ngại bị thua thiệt trong trường hợp liên kết chặt chẽ hơn và thực chất hơn với EU nên đã đặt những điều kiện tiên quyết cho EU. Bây giờ, EU đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức mới và nội bộ phân rẽ, cái tâm lý lo ngại bị thua thiệt kia càng thêm phổ biến ở nước này.
Cử tri Đan Mạch muốn tránh bị thua thiệt nhưng đất nước này không tránh khỏi bị tai tiếng. Chính trong những hoàn cảnh khó khăn, phải cùng lúc đối mặt với nhiều thách thức như hiện tại, EU lại càng cần đến sự đồng thuận hài hòa trong nội bộ, sự hậu thuẫn mạnh mẽ của tất cả các thành viên cho những dự án hợp tác và liên kết chung, thể hiện thái độ tin tưởng và lạc quan về tương lai của EU.
Vậy mà giống như Anh, Đan Mạch đã không xích lại gần EU thêm mà tiếp tục chủ ý chỉ tận lợi chứ không đóng góp, chỉ tham gia ở mức độ cần thiết tối thiểu chứ không tối đa như có thể.
Khi xưa, nước này đã bị tai tiếng là ích kỷ và vụ lợi trong EU. Bây giờ, cái tai tiếng ấy càng thêm nặng và thêm có cơ sở. Nhưng thật ra EU phải chấp nhận điều này chứ không bị bất ngờ bởi Đan Mạch lâu nay vẫn hành xử theo phương châm thà chịu tai tiếng chứ không chấp nhận bị thua thiệt.
Bình luận (0)