Ngày 20.11, UBND TP.HCM vừa ban hành các quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với di tích kiến trúc nghệ thuật chợ Bến Thành (đường Lê Lợi, phường Bến Thành, Q.1); trụ sở UBND Q.1 (45 - 47 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Q.1); mộ ông Binh bộ kiểm duyệt Ty, Thừa vụ lang họ Trần (hẻm 113 đường Trần Văn Đang, Phường 11, Q.3); trụ sở Cục Hải quan TP.HCM (địa chỉ số 02 đường Hàm Nghi và số 21 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Q.1); Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo (số 36 đường Võ Thị Sáu, phường Tân Định, Q.1). Các công trình này sẽ được khoanh vùng các khu vực bảo vệ trong hồ sơ di tích.
Chợ Bến Thành với lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo, không chỉ là một điểm đến mua sắm và ẩm thực mà còn là biểu tượng văn hóa của TP.HCM. Chợ được khởi công xây dựng từ năm 1912. Chợ Bến Thành có tổng cộng 4 cửa chính và 12 cửa phụ. Mỗi cửa chính nằm trên một con đường khác nhau và được dùng để bày bán những sản phẩm cụ thể. Cửa chính chợ Bến Thành là cửa Nam, phía trên có tháp đồng hồ (bên trong là văn phòng ban quản lý chợ, có trang thờ Thần chợ đáp ứng nhu cầu tâm linh của tiểu thương). Chợ Bến Thành từng được nhiều tạp chí uy tín nước ngoài (USA Today, Food and Wine…) đánh giá là một trong những chợ có ẩm thực tuyệt vời nhất thế giới.
Đền thờ Đức thánh Trần Hưng Đạo được xây dựng năm 1932. Đây là một trong những điểm tín ngưỡng linh thiêng của thành phố. Hằng năm, đền thờ đều tổ chức các ngày lễ lớn, trong đó có lễ giỗ 20.8 âm lịch và lễ 10.12 âm lịch (kỷ niệm ngày sinh của Hưng Đạo Đại Vương). Vào ngày thường, khá nhiều người dân đến dâng hương, hành lễ.
Trụ sở UBND Q.1 được xây dựng năm 1876, trước một số công trình nổi tiếng ở TP.HCM như: nhà thờ Đức Bà, tòa nhà UBND TP.HCM, tòa án TP.HCM, thương xá Tax, nhà hát TP.HCM, bưu điện TP.HCM…
UBND TP.HCM yêu cầu Sở VH-TT TP.HCM, các địa phương có di tích trên địa bàn thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Bình luận (0)