Chợ chiều V-League luôn bất an và khó lường

14/08/2015 08:11 GMT+7

(TNO) Rất hiếm những nhà làm bóng đá Việt Nam kiểu của bầu Thắng, bầu Đức hay dặn dò cầu thủ cứ chơi đẹp, chơi hết mình mà rớt hạng thì mùa sau cố gắng lên lại mà không phải 'đá' V-League bằng mọi giá.

(TNO) Rất hiếm những nhà làm bóng đá Việt Nam kiểu của bầu Thắng, bầu Đức hay dặn dò cầu thủ cứ chơi đẹp, chơi hết mình mà rớt hạng thì mùa sau cố gắng lên lại mà không phải 'đá' V-League bằng mọi giá.

Hải Phòng (áo đỏ) với lực lượng mạnh hơn nhưng bất ngờ để thua khó hiểu trên sân Cần Thơ ngày 23.7.2015 - Ảnh: Kim Chao
Đồng Tâm Long An của bầu Thắng đã từng một lần bị rơi xuống hạng Nhất năm 2011 nhưng chỉ một năm sau, họ thăng hạng và đứng vững cho đến bây giờ nhờ rút ra bài học đào tạo cầu thủ trẻ tạo nền tảng kế thừa. 

Tương tự, bầu Đức sau hai chức vô địch V-League 2003 và 2004 đã cảm thấy… chán với trò vãi tiền mua cầu thủ giỏi nên bắt tay với Học viện Arsenal JMG xây dựng lứa cầu thủ mới sau 7 năm. Mùa bóng này, ngay từ đầu bầu Đức đã gửi thông điệp cho đội bóng cứ chơi cống hiến, lỡ có rớt hạng thì sẽ giúp… hạng nhất xôm tụ hơn.

Cách nói hóm hỉnh đầy ngụ ý của bầu Đức chứng tỏ ông không ngại việc Hoàng Anh Gia Lai sẩy chân và sẵn sàng đón nhận một kết cục đã dự báo từ trước. Suy nghĩ và cách hành xử của ông khác hẳn với nhiều đội bóng ở V-League cứ cuối mùa sắp sửa rớt hạng là tìm cách “chạy” điểm và “đá” trên bàn.

Thế cờ tàn ở V-League bây giờ không ai dám chắc hậu trường không còn cảnh bắt tay “đi đêm” với nhau để tìm đường trụ hạng. Nó không thể công khai theo kiểu dùng tiền đổi điểm hoặc biến tướng như hồi Hải Phòng treo thưởng 10 tỉ đồng trong 3 trận cuối, đến nỗi bầu Long từng bỏ đội Hòa Phát Hà Nội sau trận thua Hải Phòng vì trọng tài.

Luật bóng đá có những quy định rất chặt chẽ về việc xin - cho, móc ngoặc, nhường điểm giữa các đội nhưng để bắt tận tay, day tận trán thì luôn vướng vào câu hỏi cắc cớ: “Chứng cứ đâu?”. 

Cuối mùa V-League, tình trạng các đội “tình thương mến thương” với nhau sẽ dày hơn nhằm lo trụ hạng khi gặp đội đã hết mục tiêu và thiếu tham vọng. Những đội này biết chắc mình khó leo cao và không thể xuống hạng nên tranh thủ “đánh quả” hoặc trả nghĩa để mùa sau còn bạn mà chơi lẫn gặp lúc hoạn nạn có nhau. 
CĐV đốt pháo sáng phản đối trận đấu giữa XSKT.Cần Thơ và Hải Phòng ở vòng 18 V-League hôm 23.7.2015 - Ảnh: Kim Chao
Chính vì thế mà có những trận đấu bốc mùi khét như Cần Thơ hạ gục Hải Phòng ở vòng 18 hay bất ngờ QNK Quảng Nam thua đúng tỷ số trước Đồng Nai mà dư luận “ngửi” ra vẫn bị các nhà làm giải bưng bít hoặc vào cuộc rất hời hợt.

Nguy hiểm hơn với tình trạng mua bán và bắt tay nhau kiếm điểm trụ hạng còn là hành vi “đá” trên mạng khi các nhà cái nước ngoài vươn vòi bạch tuột rất sâu vào V-League. 

Không khó bắt gặp hình ảnh các tay “cò” ngồi tỉnh queo trên các khán đài với chiếc điện thoại cập nhật từng diễn biến trận đấu từng phút, từng giây cho một số trang mạng sáng đèn phục vụ cho những con nghiện cá cược.

Vụ các cầu thủ V.Ninh Bình (ở AFC Cup) hay nửa đội hình Đồng Nai (trận gặp Than Quảng Ninh ở V-League năm ngoái) bị bắt vì hành vi “đánh bạc” và “tổ chức đánh bạc” gọi theo ngôn ngữ đá bóng là cá độ do mình làm độ. 

Chợ chiều V-League luôn bất an và khó lường, đặc biệt ở nhóm đội cuối bảng lo trụ hạng bằng nhiều cách mà không phải “đá hay đá đẹp, xuống hạng cũng vui”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.