Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong hội nghị giao ban với 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ và Đà Nẵng) ngày 30.3 tại TP.HCM đã yêu cầu các sở Giáo dục - Đào tạo rà soát lại các yêu cầu của bậc tiểu học; hướng dẫn chương trình của bậc mầm non để kiên quyết chấm dứt việc dạy chữ, dạy toán trước chương trình cho trẻ. Trong khi đó, hằng năm, Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM cùng nhiều sở giáo dục khác đều có văn bản yêu cầu các trường mầm non không dạy học sinh trước chương trình lớp 1.
Tuy nhiên, với những cha mẹ có con chuẩn bị vào học lớp 1 thì yêu cầu của lãnh đạo Bộ hay quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo đều không hiệu quả bằng lời nhận xét của giáo viên trong những ngày đầu trẻ vào lớp 1. Trên thực tế, ngay trong tháng đầu trẻ đến trường đã có không ít giáo viên đưa ra những nhận định như “cháu viết chữ xấu”, “bé chưa đọc chữ trôi chảy”... khiến phụ huynh nào không cho con mình học trước không tránh khỏi lo lắng.
Chuẩn kiến thức của học kỳ 1 lớp 1 (Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT) |
Hầu hết các giáo viên dạy lớp 1 mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định nếu không học trước, nhiều khả năng trẻ sẽ tiếp thu chậm hơn các bạn khác vì thực tế có đến trên 80% trẻ vào lớp 1 đã học trước. Cô Trương Thị Tuyết Nga - trường TH Phan Văn Trị, Q.1, TP.HCM, cho biết: “Có cháu khi vào học đã có thể viết thành thạo, có cháu thì chúng tôi phải cầm tay từ những nét chữ đầu tiên. Vì vậy trẻ chưa được làm quen với chữ viết trước khi vào học lớp 1 chắc chắn sẽ tiếp thu chậm hơn những trẻ đã được học”. Cô Trần Thị Thu Trang - Tổ trưởng khối lớp 1 trường Tiểu học Lương Thế Vinh (Q.1, TP.HCM), cũng khẳng định: “Do thời lượng chương trình, lớp 1 chỉ có 2 tiết đầu là dạy 13 nét cơ bản để viết chữ nên với những bé chưa học qua rất khó thực hiện một cách thành thạo. Sau đó, mỗi ngày các em học 2 âm tiết với các kỹ năng như đọc, viết... nên chưa từng nhìn qua các chữ, các nét thì khó lòng các em theo kịp chương trình”.
Đó chính là lý do mà chậm lắm là đến tháng 4, các phụ huynh đôn đáo đi kiếm thông tin về tuyển sinh, tìm nơi học chữ cho con. Chị Nguyễn Thị Nữ (chung cư Viễn Đông, TP.HCM) cho biết: “Đồng nghiệp trong cơ quan đang tìm chỗ học chữ cho con làm tôi sốt ruột quá, mấy ngày nay tôi đến các trường tiểu học gần nhà để tìm hiểu”. Nếu trường không dạy thì tức tốc phụ huynh sẽ đi tìm nơi học tư. Như chị Nguyễn Thị Hiền, nhà ở đường Đoàn Văn Bơ (Q.4, TP.HCM), hằng tháng đều cho con đi học chữ trước ở một cô giáo trường tiểu học với học phí hàng triệu đồng. Còn chị Nguyễn Huỳnh Ngọc Nga, nhà đường Trần Hưng Đạo (Q.5, TP.HCM) thì cho con học chương trình Anh ngữ Kids ở trung tâm ngoại ngữ có học phí hàng trăm USD tâm sự: “Tôi thấy yên tâm phần nào vì dù sao cháu cũng được tiếp xúc với ngôn ngữ mới để khỏi mất tự tin”.
Lời khuyên của giáo viên “Tùy thuộc vào khả năng nhận thức của mỗi học sinh, có em chưa tiếp xúc với chữ nhưng tiếp thu kiến thức nhanh thì vẫn theo kịp chương trình. Còn những em tiếp thu chậm thì rất dễ học yếu, khó theo kịp các bạn. Vì vậy ngoài việc học ở trường, khi về nhà phụ huynh phải phối hợp để theo dõi thường xuyên đến việc học của các em” - Cô Phạm Thị Thanh Phi, trường TH Đinh Tiên Hoàng, Q.9, TP.HCM “Tốt nhất, dù không học trước thì trẻ nên được làm quen với các đường nét cơ bản như nét cong, nét móc, nét thắt... Bên cạnh đó, sau khi học trên lớp, về nhà, gia đình phải thường xuyên kèm cặp. Nếu như gia đình không quan tâm chu đáo, các em sẽ khó lòng theo kịp chương trình” - Cô Trương Thị Tuyết Nga, trường TH Phan Văn Trị, Q.1, TP.HCM “Nói chung, cách tốt nhất hiện nay đó là làm sao có thể phối hợp chương trình từ mầm non lên tiểu học. Tức là ở bậc mầm non, giáo viên có thể dạy các em viết cứng được 13 nét viết cơ bản và nhận dạng được 24 chữ cái. Có như vậy, phụ huynh mới yên tâm khi không cho con em đi học thêm trong hè” - Cô Trần Thị Thu Trang, trường TH Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM. |
Bích Thanh
Bình luận (0)