Chợ Đông Ba 'thay da, đổi thịt' như thế nào sau 125 năm?

Lê Hoài Nhân
Lê Hoài Nhân
23/08/2024 09:29 GMT+7

Là một trong 3 chợ truyền thống lớn nhất nước, sau 125 năm xây dựng, câu châm biếm xưa 'chợ Đông Ba chia 3 mà trả' đã trôi vào dĩ vãng. Đến nay, ngôi chợ trở thành điểm đến văn minh, tràn đầy sức sống, thu hút du khách gần xa.

Tối 22.8, UBND TP.Huế (Thừa Thiên - Huế) tổ chức lễ kỷ niệm 125 năm xây dựng và phát triển chợ Đông Ba (23.8.1899 - 23.8.2024). Buổi lễ có tham dự của lãnh đạo tỉnh, thành phố và đông đảo bà con tiểu thương, doanh nhân, người lao động chợ Đông Ba.

Chợ Đông Ba 'thay da, đổi thịt' như thế nào sau 125 năm?- Ảnh 1.

Lễ kỷ niệm mở đầu bằng chương trình nghệ thuật nhiều cảm xúc

B.M

Chương trình mở đầu bằng các phần trình diễn nghệ thuật tái hiện quá trình xây dựng và phát triển của chợ Đông Ba.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy TP.Huế, nhấn mạnh vai trò của chợ Đông Ba đối với TP.Huế, người dân Huế và người yêu Huế. Chợ là trung tâm kinh tế, thương mại, nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa Huế và cốt cách con người Huế.

Chợ Đông Ba 'thay da, đổi thịt' như thế nào sau 125 năm?- Ảnh 2.

Tiểu thương tái hiện quá trình xây dựng và phát triển của chợ Đông Ba

B.M

"Hình thành từ năm 1899 dưới triều vua yêu nước Thành Thái, 125 năm qua chợ Đông Ba gắn liền với đời sống kinh tế - chính trị - xã hội của TP.Huế. Nếu như sông Hương, núi Ngự là hình ảnh đại diện cho cảnh quan Huế, Ngọ Môn đại diện cho hình ảnh của di tích cố đô Huế thì chợ Đông Ba cũng có thể được xem là đại diện cho hình ảnh con người, thương mại, kinh tế Huế trong suốt tiến trình lịch sử phát triển TP.Huế và tỉnh Thừa Thiên - Huế", ông Định nói.

Từ mạch nguồn kinh tế nơi đây, nhiều thế hệ người dân Huế đã có công ăn, việc làm, thu nhập, nuôi dạy con cái trưởng thành.

Chợ Đông Ba 'thay da, đổi thịt' như thế nào sau 125 năm?- Ảnh 3.

Đông đảo tiểu thương trong trang phục áo dài dự lễ kỷ niệm

B.M

"Thay da, đổi thịt"

Ông Phan Thiên Định nhắc lại câu châm biếm xưa "chợ Đông Ba chia 3 mà trả" (tức tiểu thương nói thách) và những tiếng chửi bới điêu ngoa, khuôn mặt cau có, những hành động giành giật khách... từng làm đau lòng du khách và những người yêu Huế. Ký ức đó đang dần đi vào dĩ vãng vì Đông Ba hôm nay đón du khách bằng sự thân thiện, tươi mới với chủ trương được tiểu thương hưởng ứng mạnh mẽ: "Không mì xưa - không nói thách - không chèo kéo, có uy tín - có chất lượng", "Nụ cười Đông Ba"...

Vào dịp cuối tuần hay khi lễ hội, du khách đến chợ sẽ bắt gặp những tiểu thương trong tà áo dài tươi trẻ tung bay, cùng với hạ tầng ngày càng khang trang, sạch đẹp… Chợ Đông Ba bây giờ không chỉ là nơi buôn bán mà còn trở thành ngôi nhà chung của tất cả mọi người, ở đó với nhiều người mỗi ngày đến chợ là một ngày vui. Tiếng lành đồn xa, khách cũng đến nhiều hơn.

Chợ Đông Ba 'thay da, đổi thịt' như thế nào sau 125 năm?- Ảnh 4.

Nhờ sự nỗ lực của chính quyền địa phương và tiểu thương, đến nay chợ Đông Ba đã mang một diện mạo mới, thu hút du khách gần xa

LÊ HOÀI NHÂN

Chợ Đông Ba 'thay da, đổi thịt' như thế nào sau 125 năm?- Ảnh 5.

Tiểu thương Đông Ba trong trang phục áo dài mỗi dịp cuối tuần, lễ hội

LÊ HOÀI NHÂN

Ngôi chợ đầu tiên trên cả nước phát triển đảng viên trong tiểu thương

Đặc biệt, trong 3 năm qua, đã có 35 tiểu thương tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, 4 tiểu thương vinh dự được kết nạp vào Đảng, nâng tổng số 32 đảng viên, đủ điều kiện để thành lập Đảng bộ với 5 chi bộ trực thuộc, trong đó có Chi bộ tiểu thương. Kết quả này giúp Đông Ba trở thành ngôi chợ đầu tiên trên cả nước cho đến nay thực hiện thành công việc phát triển đảng viên trong tiểu thương và hình thành nên Chi bộ tiểu thương.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.