Chợ nông sản tận diệt chim trời : Phản cảm nhưng không vi phạm ?

Chí Nhân
Chí Nhân
25/06/2018 17:04 GMT+7

Đó là khẳng định của lãnh đạo huyện Thạnh Hóa về "Chợ nông sản tận diệt chim trời" mà báo Thanh Niên phản ánh.

Sẽ tổ chức lại 
Ngày 25.6, trả lời Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Tạo, Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (Long An), cho biết: Chợ bán chim cò, động vật hoang dã này là chợ tự phát với khoảng 50 hộ kinh doanh các loại nông sản nói chung. Thời gian qua cũng gây ra một số vấn đề về môi trường, an ninh trật tự, an toàn giao thông gây bức xúc trong người dân địa phương và khách qua đường.
Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (đeo kính) trong một lần kiểm tra chợ chim Theo Báo Long An
"Trước đây, có xảy ra một số tình trạng buôn bán cả các loài nằm trong danh mục cấm. Thời gian gần đây chúng tôi tăng cường kiểm tra giám sát, trung bình khoảng 2 lần/tuần, việc buôn bán các loại trong danh mục cấm gần như không còn. Tuy nhiên cũng có thể một số đối tượng vẫn buôn bán lén lút qua các mối quan hệ quen biết hoặc cất giấu cẩn thận hơn"- vị này nói và phân trần, các loài được bày bán chủ yếu gây phản cảm nhưng không nằm trong danh mục cấm nên không thể xử lý. Vì vậy bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra giám sát, huyện cũng tổ chức tuyên truyền giáo dục. Các tiểu thương cũng cam kết không giết mổ, vặt lông tại chỗ hay treo ngược chim cò thành từng chùm gây phản cảm.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện Thạnh Hóa đang tổ chức lại ngôi chợ tự phát này theo hướng tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và an toàn giao thông. Việc tổ chức lại sẽ sớm hoàn thành trong năm nay.
Có sự tiếp tay của cán bộ?
Nhiều lần đi qua chợ này, TS Lê Phát Quới, Đại học Quốc gia TP.HCM nhận xét : Sự hiện diện chợ chim này là điều bức xúc lớn của nhiều người, nhất là những người bảo vệ thiên nhiên. Thực tế là có bán nhiều loài trong sách đỏ như chim cổ rắn, cò ốc còn được biết đến với tên cò nhạn hay còng cọc… Nhưng dù có nằm trong sách đỏ hay không thì hành vi buôn bán động vật hoang dã cũng là hành vi bị pháp luật cấm.
Theo TS Quới, cò nhạn (Anastomus oscitans) là loài chim lớn vùng đất ngập nước có giá trị bảo tồn cao Facebook

Rùa, mỗi con nặng 5 - 7 kg cũng là mặt hàng phổ biến ở chợ chim Thạnh Hóa Chí Nhân
Ngôi chợ này chỉ cách Tràm Chim (Đồng Tháp) khoảng 75 km; cách Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An) - được công nhận là khu ramsar năm 2015, khoảng 35 km; cách Khu bảo tồn đa dạng sinh học - cây dược liệu (xã Bình Phong Thạnh, Mộc Hóa, Long An) khoảng 10 km - đường chim bay. "Chim bán ở chợ này rõ ràng có nguồn gốc từ các khu vực bảo tồn nêu trên. Nó bị săn bắt trộm trong các khu vực đó hoặc khi chúng bay ra ngoài đi kiếm ăn bị săn bắt trái phép"- TS Lê Phát Quới đặt nghi vấn.
"Chính quyền địa phương và cả tỉnh Long An chưa thật sự có quyết tâm trong việc bảo vệ tự nhiên mà cụ thể là ngôi chợ này. Điều này tôi đã từng nói thẳng với lãnh đạo huyện Thạnh Hóa. Ngoài ra tôi cho rằng có cả sự tiếp tay của một số cán bộ. Bằng chứng là trong quá trình Láng Sen được xem xét, công nhận là khu ramsar có rất nhiều đoàn khách của các tổ chức môi trường, bảo vệ thiên nhiên đi qua ngôi chợ này. Tôi nhiều lần tham gia với tư cách là thành viên của đoàn. Trong những lần ấy những hình ảnh buôn bán phản cảm của chợ chim này không xảy ra. Chỉ có buôn bán các loại nông sản thông thường. Tại sao chợ chim lại biết đường “tránh” các nhà khoa học, môi trường thế giới? Vì nếu họ thấy cảnh tượng như vậy chắc là Láng Sen sẽ không được công nhận rồi. Theo tôi nếu tôn trọng các giá trị tự nhiên không thể để ngôi chợ này tồn tại và nếu chính quyền quyết tâm sẽ làm được", TS Lê Phát Quới khẳng định.
Những hình ảnh phản cảm trên mạng Ảnh chụp màn hình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.