Cho phép tái phân lô bán nền khu đô thị

28/12/2013 03:00 GMT+7

Các khu đô thị sẽ được phân lô bán đất nền, thay vì phải xây xong thô mới được bán như hiện nay, là điểm nổi bật trong Thông tư liên tịch số 20 do Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ ban hành, nhằm hướng dẫn nội dung Nghị định 11 có hiệu lực từ ngày 5.1.2014.

 Cho phép tái phân lô bán nền khu đô thị

Việc cho phép tái phân lô bán nền sẽ làm giảm đi những dự án xây thô rồi để lãng phí như thế này - Ảnh: L.Q

Người mua, người bán "dễ thở" hơn

 

Việc cho phép phân lô bán nền đã được luật Đất đai thông qua. Quy định này được nâng lên tầm của luật với mục đích là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân

Ông Đỗ  Việt Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng

Theo thông tư, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân sẽ được chuyển quyền sử dụng đất trong khu đô thị để tự xây dựng nhà ở với điều kiện khu vực được chuyển quyền sử dụng đất phải đảm bảo đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu: giao thông, điện, chiếu sáng, viễn thông, cấp thoát nước... UBND cấp tỉnh quy định các khu vực được chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng…

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN, cho rằng việc tái cho phép phân lô bán đất nền khi dự án đã làm xong hạ tầng sẽ phần nào gỡ vướng được cho thị trường đất nền; giảm chi phí đầu tư ban đầu, từ đó giảm giá thành sản phẩm, cả chủ đầu tư và dự án đều “dễ thở” hơn. Những người muốn mua đất nhưng chưa có nhu cầu xây nhà cũng dễ tiếp cận hàng hơn do không phải bỏ tiền mua phần nhà đã xây trên phần đất, đỡ lãng phí.

Giải thích lý do cho phép tái phân lô bán nền trở lại, ông Đỗ Việt Chiến, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, nói trước đây cấm phân lô bán đất nền nhằm kiểm soát về trật tự xây dựng đô thị, đảm bảo quy hoạch đô thị được tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nay thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn, hàng tồn kho nhiều, đặc biệt ở thị trường đất nền nên đây là một trong những chính sách "nới" để tháo gỡ. “Quy định hiện nay bất cập ở chỗ nhiều nhà đầu tư nhỏ, sau khi xây dựng xong hạ tầng, nộp nghĩa vụ tài chính xong không đủ khả năng tài chính để tiếp tục lo chi phí xây nhà thô để bán. Bên cạnh đó, việc áp dụng chung một cơ chế không cho phép phân lô bán nền cho tất cả các đô thị từ lớn đến nhỏ cũng chưa phù hợp. Việc cho phép phân lô bán nền đã được luật Đất đai thông qua. Quy định này được nâng lên tầm của luật với mục đích là tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người dân”, ông Chiến khẳng định.

Tháo gỡ có điều kiện

Tuy nhiên, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, kịch liệt phản đối việc cho tái phân lô bán đất nền tại bất cứ khu đô thị nào vì “đây chính là một trong những nguyên nhân chính tạo ra tình trạng nhà cửa lô nhô, phá vỡ không gian quy hoạch, cảnh quan kiến trúc”. “Ở nước ta, nhà nước vẫn cho phép thu hồi đất rồi giao chủ đầu tư làm dự án bất động sản thì đương nhiên phải làm xong nhà theo quy hoạch mới được bán. Có như vậy mới đảm bảo thực tế xây dựng luôn đúng với quy hoạch đô thị. Trên thế giới vẫn có nơi cho phân lô bán đất nền nhưng họ quản lý rất chặt về kiến trúc, cây xanh… Còn ở nước ta, quản lý xây dựng đô thị đã thiếu chặt chẽ mà còn cho phép như vậy thì cực kỳ nguy hiểm”, ông Liêm cảnh báo.

Về việc này, ông Chiến cho biết trong thông tư nêu rõ các vị trí nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt, khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị không được phân lô bán nền. Hộ gia đình, cá nhân được chuyển quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt. “Như vậy, tháo gỡ nhưng không phải tháo tự do mà có điều kiện để vừa đáp ứng được thực tiễn vừa đảm bảo quản lý trật tự đô thị”, ông Chiến nói.

Lê Quân

>> Cởi trói dự án phân lô hộ lẻ
>> TP Hồ Chí Minh: Không đồng ý với kiến nghị cho phép phân lô bán nền đất dự án

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.