Ngược với dòng xe hối hả đưa người về quê đón tết còn có những chuyến xe trĩu nặng chở hàng tết ở quê ngược vào TP.HCM để những người xa xứ ở Sài Gòn tìm được chút hương vị tết quê nhà.
Đủ loại đặc sản Quảng Nam được bày bán ở chợ Bà Hoa, Q.Tân Bình, TP.HCM dịp cận tết để những người xa quê tìm lại hương vị tết quê nhà - Ảnh: Phi Long
Gần 5g ngày 5-1, trời còn tinh sương, 4-5 xe tải nhỏ chạy vào đường Trần Mai Ninh rồi dừng hẳn trước chợ Bà Hoa (P.11, Q.Tân Bình). Tiếng đèn xinhan kêu tít tít, đèn pha chiếu rõ những góc chợ còn vắng người. Một tài xế bước xuống xe giọng đặc sệt miền Trung nói: “Hàng tết về rồi mấy mụ ơi! Ra nhận giùm với”. Ít phút sau, nghe tiếng kẹt kẹt của các cánh cửa. Rồi nhiều tiếng gọi í ới: “Hàng chi rứa?”, “Khi mô thì có mứt gừng rứa chú mi?”...
Tết về sớm trong chợ
Một trong những người đón chuyến hàng đầu ngày ấy là bà Hai, quê ở Thăng Bình (Quảng Nam), bán bánh tráng ở chợ Bà Hoa đã 16 năm. Miệng nhai trầu nhóp nhép, bà kể: “Ui chu choa, gần tết mối đặt hàng nhiều lắm. Người đặt cả thiên (ngàn), người dăm trăm, vài chục cái cũng có. Bao nhiêu tui cũng nhận”.
Đây đã là chuyến xe chở bánh tráng thứ hai bà nhận từ Quảng Nam vô. Nhận giấy đặt hàng từ đầu tháng 12 dương lịch, bà nói bao nhiêu cũng nhận là vì muốn những khách hàng người Quảng thân quen suốt năm của mình không bị thiếu hương vị bánh tráng quê. “Chứ vài chục cái thì lời lãi bao nhiêu chú” - bà nói. Ngoài bánh tráng, bà Hai còn đặt cả bánh đậu xanh, bánh nổ, nén củ (hành tăm), lon kẹo mạch nha..., những món ăn, gia vị tết đặc trưng của người Quảng. “Giờ ni đến ngày 29 tháng chạp mới đúng là tết với dân xứ Quảng ở quanh chợ này” - bà hào hứng nói.
Rời quầy của bà Hai, chúng tôi gặp bà Nhàn, bà cụ đã già 80 tuổi, miệng nhai trầu, đang rảo gánh một vòng quanh chợ. Bình thường bà Nhàn bán trầu nhưng cứ cận ngày rằm bà lại bán thêm một thứ mà không nói ra chắc không ai nghĩ, đó là cát để đổ lư hương. Thứ cát trắng mịn lấy ở vùng Núi Thành (Quảng Nam) được bà nhờ người ở quê sàng, gửi vào theo xe tải. Bà Nhàn nói: “Bán mấy mớ cát ni chỉ tổ nặng gánh chứ lời được mấy đồng mô chú. Nhưng nhờ có hắn mà gặp được nhiều người cùng quê, tết mô mà không bán cát coi chừng khó chịu lắm”. Ông Ngân, một khách quen của bà, năm nào cũng đến đây mua cát đổ lư hương, bảo: “Năm mô cũng phải thay cát lư hương thờ ông bà. Ông bà lúc còn sống chỉ ở quê không đi đâu hết. Giờ tui vô đây sống cũng muốn lư hương thờ ông bà là cát quê hương”.
Cũng không khí tết quê ấy, chợ lá dong góc Phạm Văn Hai - Cách Mạng Tháng Tám những ngày này đã bắt đầu rục rịch. Nhà nào cũng cho người ngược xuôi Đồng Nai, Tây Ninh... lo nhập lá, người ở nhà thì nhận giấy đặt hàng. Chị Bùi Thị Ái, một người bán cơm ở đường Phạm Văn Hai, cho biết cứ chừng khoảng 20, 21 tháng chạp sẽ đem lá dong mang về phân loại và rửa sạch để bán cho kịp tết. Thường thì 26, 27 tết mới đắt khách nhưng năm nay chị sẽ bắt đầu bán từ 23 đến 29 tết.
“Khu này toàn bà con người gốc Nam Định, Ninh Bình, sống ở đây hơn nửa thế kỷ, đã nhiều thế hệ rồi nhưng không ai quên được những lát bánh chưng đượm màu lá ở quê nhà” - chị Ái chia sẻ. Và nhờ thế, nhiều năm rồi chợ lá dong Ông Tạ trở thành nơi tìm vị tết quê của những người gốc Bắc ở khắp nơi trong TP.
Giữ vị tết quê
Câu chuyện của những người mang vị tết quê vào Sài Gòn mà chúng tôi gặp dường như không chỉ gói lại trong chuyện mưu sinh. Bởi mỗi người đều còn một mong muốn lớn hơn là tìm lại vị tết quê cho mình, cho những người cùng quê xa xứ như mình.
Trong căn nhà nhỏ cuối đường Nguyễn Thị Tú (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân), bà Nguyễn Thị Mè cùng người con trai lớn đang hì hụi “dộng cốm”. Bà Mè quê ở Phú Long (Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) và thứ cốm mà hai mẹ con bà hì hụi đóng lại thành từng viên cốm hộc to bằng cả nửa cái gối là đặc sản trứ danh của vùng đất này. Để có cốm ngon, bà phải ngược xuôi Tây Nam bộ tìm những chủ ruộng nếp hạt mẩy, đặt hàng trước khi chủ ruộng cho gặt khi nếp đã thật già để rang thành nổ (hạt cốm).
Nhưng điều lạ nhất là bà phải đi tìm cho được thứ đường tán ngả vàng để ngào cốm chung với thơm xắt mỏng chứ không dùng đường cát. Lý do là những khách hàng mua cốm quê Bình Thuận của bà chỉ thích ăn cốm hộc với thứ đường này. “Giờ có về Phan Thiết kiếm cũng không ra loại cốm hộc làm bằng thứ đường vàng này nữa. Nhưng nhiều người quê ở Bình Thuận sống ở TP.HCM nói chỉ có thứ đường vàng đó mới làm ra vị cốm tết của một thời nghèo khó mà họ thích” - bà nói.
Bà Hồng - chủ quán bánh canh cá lóc trên đường Nguyễn Huy Điển, P.7, Q.Gò Vấp - mấy hôm nay khá bận bịu khi bán thêm những cút rượu Kim Long trong vắt. “Mấy người cùng quê đến mua nhiều lắm, thiếu là không được mô. Bán lời không mấy đồng nhưng không năm nào nghỉ” - bà nói. Quê bà ở làng Kim Long (Hải Lăng, Quảng Trị), nơi nổi tiếng với món bánh canh cá lóc, rượu gạo Kim Long. Bà Hồng nói người làng Kim Long và cả nhiều người Quảng Trị tết đến ngồi bên nồi cháo bánh canh cá lóc, nhâm nhi ly rượu gạo là tuyệt nhất.
Bán buôn thì đã có người phụ, nhưng bà cứ thoăn thoắt khi những đồng hương đến mua, tận tình chỉ cách nhào bột bánh canh, cách nấu cháo cho đúng hương vị quê nhà. “Cháo cá thì phải có củ nén đâm nhuyễn um cá. Bột thì tự tay nhào đều, thái mỏng. Lá nén cũng không thể thiếu. Nhưng có lẽ ăn ở quê mùa tết lạnh cắt da mới cảm nhận được hương vị nóng hổi của cháo. Ui cha là nhớ quê!” - bà Hồng vừa chỉ dẫn vừa cười nói với khách như chính bà cũng đang tìm lại được vị tết quê từ những người khách của mình.
Hội ngộ với người quê Bà Học, một người bán bánh thuẫn ở chợ Bà Hoa, kể: “Vào đây sống mấy chục năm, bạn bè thất lạc hết. Nhờ mấy thúng bánh thuẫn này mà tết năm kia tui gặp được bà bạn học cấp II đến mua hàng tết, ngờ ngợ rồi ôm nhau cười, vui đâu kể”. Bà nói dù bận mấy những người đồng hương buôn bán ở chợ này cũng dành một buổi chiều cuối năm để làm bữa tất niên với chỉ những món ăn xứ Quảng. Mỗi người một thức, mỗi người một món. “Chiều 29 tết chú cứ tới đây, cả xóm chợ ni mời, không giống tết xứ Quảng tui đền chú” - bà cười hào sảng. Cũng như bà Học, bà Hai bán bánh tráng cũng nói chỉ có tết mới gặp được nhiều người cùng quê nhất, khách có thời gian lựa hàng, người bán có nơi để kể lể, bày vẽ cho khách làm những món ăn quê. Bởi thế mà bán những món ăn tết, với bà vừa buồn lại vừa vui. “Vui vì bán được thêm vài cái bánh, gặp được nhiều bà con cùng quê đến chợ. Rồi cứ thoải mái nói chuyện chi, mô, răng, rứa, nghe hắn sướng cái lỗ tai. Nhưng đến chiều 29 tháng chạp, người ta về quê hết. Chợ tan! Nhớ quê hương đến thúi ruột” - bà kể. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)