20h, khu vực nhà thờ, chợ Sa Pa đã rộn rã tiếng khèn, tiếng sáo, nườm nượp những bước chân người. Phụ nữ người Kinh đang tất bật tại mấy chục gian hàng ẩm thực chuyên phục vụ những món ăn đêm. Dăm chục người già và em bé người Mông, Dao... tay cầm những món đồ trang sức, quần áo, mũ, khăn thổ cẩm mời chào du khách. Một số ít thanh niên trạc mười tám đôi mươi, người cầm khèn, kẻ dạo khắp một lượt quanh khu chợ. Những cô sơn nữ duyên dáng, thẹn thùng dưới những chiếc ô.
21h, một cô gái Mông tay trong tay với một nam thanh niên mặc quần áo người Kinh, đội trên đầu chiếc mũ thổ cẩm dạo bước về phía chợ Sa Pa. Họ cầm ô, đứng tại một góc khuất cầu thang tâm sự. Chúng tôi tiến lại bắt chuyện. Bị quấy rầy trong một tình huống "nhạy cảm" nhưng đôi bạn không hề tỏ ra khó chịu. Người con trai tên là Lê Hoài Nam, làm hướng dẫn viên cho một nhà nghỉ. Nam cho biết: "Em và Sa Mẩy (tên cô gái - PV) quen nhau tại một phiên chợ tình cách đây 4 tháng. Từ đó tới giờ, cứ tối thứ bảy là em lại lên đây đi chơi cùng Sa Mẩy".
Quay trở lại khu vực nhà thờ, chúng tôi gặp Giàng A Kỷ, người dân tộc Mông, năm nay 19 tuổi. A Kỷ nói tiếng Việt lơ lớ: "Nhà mình cách chợ cây số. Cái mình đi bộ đến đây từ lúc 5h chiều. Mình đang tìm bạn. Bố mẹ bắt mình lấy vợ rồi à". "A Kỷ muốn một người bạn như thế nào?". "Mình ưa đứa khỏe mạnh, đẹp, năm nay 16 - 17 tuổi. Cái bụng nó phải ưng, chịu làm con nhà mình à!". A Kỷ bảo dạo này ít người tới chợ tình chọn bạn nên đã mấy mùa trăng rồi cậu ta vẫn chưa tìm được người con gái ưng ý. "Có lẽ mình phải nhờ bà mối cưới vợ giùm thôi à!" - giọng A Kỷ buồn buồn.
Câu chuyện bị cắt ngang khi mọi người tới đứng chen chân xem một đôi nam nữ thổi khèn, nhảy múa. Những tiếng trầm trồ, những tràng pháo tay thán phục. Điệu khèn kết thúc, Sùng Ao Cơ (thôn Thào Hồng Dến, xã Hầu Thào, Sa Pa), một người am hiểu chợ tình và thường xuyên tới đây chơi, buột miệng: "Phiên nào cũng vậy, chỉ có thằng Giàng A Vàng và con Văng Thị Sáu thổi khèn, nhảy múa tỏ tình như ngày xưa mà thôi". Chúng tôi chỉ tay về phía đám thanh niên đang cầm khèn gần đó: "Họ cũng biết thổi khèn đấy chứ". Sùng Ao Cơ đáp lại: "Chúng nó chỉ thổi, nhảy để xin tiền khách du lịch thôi à! Ai muốn được hưởng cái không khí trai gái làm quen nơi chợ tình phải trả cho bọn nó dăm mười ngàn đồng đấy".
Người đàn ông trên 50 tuổi đứng cạnh nãy giờ góp chuyện: "Ngày trước, khu vực nhà thờ là nơi nam nữ tìm nhau, sau đó họ dẫn nhau tới chợ Sa Pa hay phố Cầu May để hát đối, tâm tình. Nay những nét văn hóa đó mất hết rồi. Mất hết cả rồi à!". Chúng tôi đem những chuyện mắt thấy tai nghe để lý giải về sự mai một của chợ tình Sa Pa: Những quán internet dọc các phố lúc nào cũng đông khách, phần lớn là mấy cô cậu thanh niên người dân tộc tới "chát chít" với bạn; một số thanh niên người Dao rút di động nhắn tin nhoay nhoáy; những đoàn du khách lũ lượt kéo tới các bản nhỏ... Sùng A Cơ nghe và im lặng!
Khi biết chúng tôi là phóng viên, Sùng A Cơ bật mí: "Bọn gái nhà hàng cũng ra đây tìm khách à! Không tin cứ hỏi thử mấy đứa kia kìa, xem nó có "đi" không?". Chúng tôi nhìn theo hướng chỉ của Sùng A Cơ, mấy cô gái mặc quần áo người Dao đang nói chuyện với nhau. Anh bạn đồng nghiệp tiến lại làm quen. Sau vài câu xã giao, anh ta "thật thà" - như cách nói của người dân vùng cao: "Đi chơi qua đêm cùng mấy anh không?". "Đi chơi phải có tiền à" - một người trong số các cô gái cũng "thật thà" không kém. Tôi hỏi: "Bao nhiêu?" thì nhận được lời xác nhận: "Vài chục". Sơn nữ cười rúc rích, chiếc khăn thổ cẩm phất phơ trên đầu, phố núi mờ sương...
Q.Duẩn - K.T.Long
Bình luận (0)