Xem Thiên nga đen không khỏi choáng ngợp, rồi chìm sâu, ám ảnh trước những giằng xé nội tâm dữ dội của cô diễn viên múa trong hành trình định vị nhân cách, cũng như khao khát muốn đạt đến sự hoàn hảo đến mức đánh mất chính bản thân mình.
|
Chọn cách sống của “thiên nga trắng” - cô gái trong sáng bị mắc trong thân thể một con thiên nga, chỉ hóa giải lời nguyền khi có một tình yêu đích thực; hay “thiên nga đen” - người em song sinh thủ đoạn, xảo quyệt đã cướp đi tình yêu của cô chị, đẩy “thiên nga trắng” đến cái chết trong câu chuyện của vở múa ba-lê kinh điển Hồ thiên nga, là tự vấn của mỗi người sau những cảm xúc của bộ phim đem lại.
Xem Thiên nga đen, khán giả sẽ dễ dàng cảm nhận được những giai điệu âm nhạc cổ điển tuyệt vời của Tschaikovsky với Hồ thiên nga. Điều đặc biệt là trộn lẫn trong mỗi đoạn nhạc bất hủ và mỗi động tác múa ba lê ấy là những trạng thái nội tâm, tâm lý của nhân vật. Ngôi sao Natalie Portman, người vừa nhận giải Quả cầu vàng, Oscar 2011 cho Nữ diễn viên chính xuất sắc quả thật đã chạm được đến sự hoàn hảo với vai diễn Nina. Phim sẽ được khởi chiếu tại các rạp ở TP.HCM và Hà Nội từ 25.3. |
Nina, cô gái trẻ trong Thiên nga đen, lại đối mặt bước ngoặt phải hoàn hảo đến tuyệt đối với vai diễn mơ ước, là “nữ hoàng thiên nga mới” của vở diễn Hồ thiên nga sau cuộc tuyển lựa khắt khe, đầy sự khổ luyện và cạnh tranh giữa các “đối thủ” trong cùng một nhà hát. Với vị trí “ngôi sao mới”, điều khiến cô gái vốn trong sáng không tự tin vào chính bản thân mình nhất khi đạo diễn buộc cô phải cùng lúc diễn hoàn hảo cả hai vai: “thiện” - Thiên nga trắng, và “ác” - Thiên nga đen. Từ đó, để đạt đến sự hoàn hảo với vai diễn mới, bắt đầu có cuộc vật lộn để đi tìm chính mình trong thế giới nội tâm đầy hỗn độn...
Bộ phim đầy kịch tính của đạo diễn Darren Aronofsky, khai thác đề tài tâm lý học, đặc biệt thuyết phân tâm học đã được ứng dụng vào mạch phim, đưa người xem như lạc vào ma trận của những xúc cảm thị giác song hành với diễn biến nội tâm phức tạp của các nhân vật trong phim như: Thomas Leroy - vị giám đốc nghệ thuật luôn buộc Nina phải vươn tới sự hoàn hảo; người mẹ từng bỏ dở nghề múa khi chưa vươn tới đỉnh cao năm 28 tuổi vì lỡ mang thai Nina, nên đã yêu thương cô một cách ích kỷ, đồng bóng; và nữ ngôi sao ballet, người đã bị Nina truất ngôi, đang tự hủy diệt, tàn phá chính mình vì nỗi đau hết thời.
Quá trình Nina chuyển từ “trắng” sang “đen” xuất phát từ dục vọng, khát khao về cái đẹp hoàn hảo. Nina chỉ có một con đường: trở nên hoàn hảo và không có lựa chọn nào khác. Bởi điều mà vị giám đốc nhà hát, đạo diễn luôn muốn là đỉnh cao của sự hoàn hảo, nên muốn thấy những vũ công mình lựa chọn phát triển tới tột đỉnh của nghệ thuật, bởi vậy ông đã đặt ra những sức ép vô cùng khắc nghiệt đối với họ. Không hiếm nghệ sĩ đã phải tàn phá chính mình để tìm được điều hoàn hảo trong nghệ thuật. Thế nhưng như lời vị đạo diễn tuy nghiêm khắc nhưng luôn biết cách khích lệ Nina rằng: “Hoàn hảo không chỉ là sự kiểm soát, kỹ thuật, nó cũng là sự buông thả một cách tự do nữa”.
Nina cuối cùng cũng đạt được sự hoàn hảo với vai diễn trong buổi công diễn thành công xuất thần trước khán giả, nhưng khi đó cũng chính là lúc cô đã đánh mất chính mình, để cho cả cái phần tốt - xấu, thiện - ác cùng lúc lớn lên đến mức không còn ranh giới phân biệt trong bản thân mình.
Phan Cao Tùng
Bình luận (0)