Chơi sâm Ngọc Linh

25/01/2012 13:40 GMT+7

(TN Xuân Nhâm Thìn) Chắc chẳng ai dám nghĩ đến thú chơi lạ lùng của anh em Huỳnh Ngọc Hiếu ở Đà Nẵng.

(TN Xuân Nhâm Thìn) Chắc chẳng ai dám nghĩ đến thú chơi lạ lùng của  anh em Huỳnh Ngọc Hiếu ở Đà Nẵng.

Giá sâm Ngọc Linh không hề rẻ, khoảng 50 - 100 triệu/kg, tùy độ tuổi sâm. Nhưng, nếu chỉ tính về giá trị, thú chơi này cũng chưa thuộc vào hàng “độc” so với các thú chơi khác. Cái khác ở chỗ,  nhắc đến nhân sâm, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là mục đích chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Đằng này, để biến thành một thú chơi, một bộ sưu tập thì chắc chỉ có anh em Huỳnh Ngọc Hiếu!

Bộ sưu tập của chủ nhân  trang web choisam.org bắt đầu bằng những củ sâm có tuổi đời khiêm tốn, từ 20 năm trở xuống, nặng chỉ vài lạng. Góp gió thành bão, đến bây giờ đã lên đến hàng trăm củ, với giá thị trường hiện tại khoảng 2 tỉ đồng. Củ sâm lâu năm nhất có tuổi đời 62 năm, nặng 3 lạng; củ lớn nhất 1,7 kg. Ngoài ra, anh Hiếu còn sở hữu 3 củ dạng “hàng khủng” khác cân nặng chừng 1 đến 1,1 kg. Hiện ở Việt Nam củ sâm lâu năm nhất là trên 80 năm của dược sĩ Đào Kim Long, người tìm ra giống sâm Ngọc Linh đầu tiên. Còn lại, theo anh Hiếu, vẫn chưa nghe nói củ nào có kích thước nặng hơn củ sâm mình đang có.


Củ sâm hơn 1 kg trong bộ sưu tập của anh Hiếu - Ảnh: V.P.T

Để đảm bảo chính xác giá trị bộ sưu tập mình đang sở hữu, mỗi lần mang về một củ sâm quý, anh em Hiếu đều tận tay mang vào phân tích định lượng tại Viện Dược liệu - Trung tâm sâm và dược liệu TP.HCM. “Có như vậy thì mới yên tâm”, anh Hiếu bộc bạch.

"Củ sâm còn tươi, nếu nhìn kỹ sẽ khám phá ra nhiều hình hài độc đáo đến bất ngờ", anh Hiếu chia sẻ. Làm sao để lưu giữ những hình hài này của sâm? Vì khi khô đi, hình hài nguyên thủy ban đầu không còn nữa. Câu hỏi này cứ lởn vởn mãi trong đầu anh em Hiếu. Nếu ngâm rượu thì sâm cũng không giữ được thế đứng, hình dạng cũng bị xô lệch ít nhiều. Đó là chưa kể ngâm trong bình thì khó sờ tận tay để hưởng cái cảm giác thú vị của dân thưởng lãm.

Ý nghĩ đúc khuôn mẫu, tạo hình 3D laser củ sâm chợt đến. Tốn kém, nhưng anh Hiếu hài lòng, bởi với anh, việc tìm ra một phong cách trưng bày độc đáo, đẹp và sinh động cho sâm mới là quan trọng.

Sâm Ngọc Linh có tên khoa học Panax vietnamensis, hay còn gọi là sâm Việt Nam, mọc tập trung ở vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Trên độ cao 1.200 đến 2.100m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối, trên đất nhiều mùn. Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế, phần thân rễ chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin.

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.