Chôm chôm Việt đã vào New Zealand

11/04/2018 05:00 GMT+7

Ngày 10.4, tại Hà Nội, bà Wendy Matthews, Đại sứ New Zealand tại VN, chính thức trao “giấy phép” nhập khẩu chôm chôm VN cho đại diện Bộ NN-PTNT.

VN là nước đầu tiên được cấp phép trái chôm chôm vào thị trường New Zealand và đây là loại trái cây thứ 3 của VN, sau xoài và thanh long, được nước này cấp phép nhập khẩu.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho biết trước đó chôm chôm đã được xuất khẩu vào các thị trường khó tính khác như: Mỹ, EU, Canada. Riêng thị trường Mỹ năm 2017 xuất được khoảng 300 tấn. Theo Bộ Công thương, trong quý 1, xuất khẩu rau quả của VN tiếp tục tăng 35,6%, đạt giá trị 950 triệu USD.
Trong đó, xuất khẩu quả tươi đạt tới 525 triệu USD với tốc độ tăng trưởng 58,4% - cao nhất trong nhóm ngành rau quả. Con số trên cho thấy, nhu cầu thị trường trái cây tươi rất lớn nhưng khả năng khai thác của VN còn rất hạn chế, sản phẩm rau quả chế biến chỉ đạt giá trị xuất khẩu vỏn vẹn 62 triệu USD trên tổng giá trị 950 triệu USD của cả ngành. Nếu không xây dựng ngành công nghiệp chế biến, khó phát huy được tối đa giá trị của lĩnh vực tiềm năng này.
Đáng chú ý hơn là gần 80% rau quả xuất khẩu của VN sang thị trường Trung Quốc. Dù biết rằng đây là thị trường rộng lớn, đa dạng và có lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhưng việc quá phụ thuộc vào một thị trường sẽ gây rủi ro vô cùng lớn cho ngành rau quả, ngành mang lại nguồn thu 3,5 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng 30 - 40%/năm.
Thế nên, việc xuất được chôm chôm vào New Zealand có ý nghĩa rất lớn dù đây là thị trường nhỏ với chỉ khoảng 4,7 triệu dân, sức tiêu thụ không cao. Tuy nhiên, New Zealand nằm trong nhóm các thị trường khó tính. Để xuất khẩu trái chôm chôm tươi vào thị trường New Zealand, VN phải mất 7 năm để đàm phán và chuẩn bị vùng trồng cũng như đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Thành công ở thị trường New Zealand sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp cận các thị trường khác một cách dễ dàng hơn.
“Những cơ hội đó phải được dựa trên những sản phẩm và hệ thống chất lượng cao, có thương hiệu và New Zealand sẽ đồng hành cùng VN trong việc tiếp thị trên các thị trường quốc tế”, Đại sứ Wendy Matthews phát biểu. Chính vì vậy, giá trị của những “giấy phép” xuất khẩu trái cây vào các thị trường khó tính nằm ở chỗ đó. Đây có thể được xem là một trong các giải pháp từng bước đa dạng hóa thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.