Chọn ngành nghề phù hợp

01/03/2012 03:42 GMT+7

Đa phần những câu hỏi của học sinh (HS) Quảng Ngãi trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 29.2 tập trung về ngành nghề dễ tìm việc làm, thu nhập cao.

Đa phần những câu hỏi của học sinh (HS) Quảng Ngãi trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên tổ chức vào ngày 29.2 tập trung về ngành nghề dễ tìm việc làm, thu nhập cao.

Khối ngành kinh tế có bão hòa?

Báo Thanh Niên cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ cho chương trình tại Quảng Ngãi: Eximbank Quảng Ngãi, Nhà máy nước khoáng Thạch Bích, Công ty Bảo Việt Quảng Ngãi, Bảo Việt nhân thọ Quảng Ngãi, Doanh nghiệp quảng cáo Hòa Kỳ, Tỉnh Đoàn, Sở GD-ĐT Quảng Ngãi. Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang đã hỗ trợ đưa đón đoàn tư vấn đi các tỉnh.

Một HS đặt vấn đề: "Em nghe nói các ngành thuộc khối kinh tế như: kế toán, quản trị kinh doanh... đang bị bão hòa. Em muốn thi vào khối ngành này nhưng lại sợ không tìm được việc". Tiến sĩ Phan Sỹ Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Kế toán (Quảng Ngãi) cho biết: "Nhu cầu nhân lực của khối ngành kinh tế rất lớn nhưng luôn trong trạng thái vừa thừa vừa thiếu. Thừa người không có năng lực, không đáp ứng được công việc; thiếu người giỏi, chuyên môn cao. Do vậy, điều quan trọng là HS nên căn cứ vào sở thích. Khi đã chọn thì phải quyết tâm học, trang bị thêm nhiều kỹ năng sẽ có nhiều cơ hội việc làm".

Phan Đức Trí, HS Trường THPT Sơn Tịnh 1, thắc mắc: "Em muốn thi vào ngành ngân hàng. Nhưng không biết có dễ tìm việc không?". Ông Phan Sỹ Hùng thông tin, theo đề án của Chính phủ về phát triển nguồn nhân lực ngành này, vào năm 2015 cần 240.000 người và tới năm 2020 cần 300.000 lao động. Điều đó cho thấy nhu cầu nhân lực là rất lớn. Tiến sĩ Lê Công Toàn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, khẳng định: "Nhu cầu nhân lực của hầu hết các ngành đều rất thiếu. Song, vấn đề có được việc làm hay không là do chính người học quyết định chứ không phải do xã hội hay nhu cầu nhân lực".

Cơ hội ngành xây dựng, giao thông

Một lĩnh vực khác cũng được rất nhiều HS quan tâm là khối ngành liên quan tới giao thông vận tải, xây dựng. HS Nguyễn Văn Nhất thắc mắc: “Ngành xây dựng cầu đường sẽ học những gì, cơ hội việc làm có cao không?”. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, giải đáp: "Chuyên ngành này là một phần trong ngành học kỹ sư xây dựng công trình giao thông. Khi học, các bạn sẽ được đào tạo các chuyên ngành quy hoạch giao thông, xây dựng công trình thủy... Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng nên rất cần nhân lực ngành này". Đại diện Trường ĐH Giao thông vận tải cơ sở 2 cho biết: "Sinh viên học các ngành liên quan tới giao thông vận tải sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm đạt trên 95%".


Chuyên gia tư vấn trả lời câu hỏi trực tiếp cho từng học sinh ở Quảng Ngãi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hướng về Dung Quất

Làm việc ở Khu kinh tế Dung Quất trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng là điều mà nhiều HS mong muốn. Các HS tỏ ý định tìm ngành, trường học mà sau khi tốt nghiệp có thể trở về phục vụ quê hương.

Một nữ HS hỏi: "Em muốn làm giám đốc trong công ty, doanh nghiệp tại Khu kinh tế Dung Quất. Vậy em học ngành gì là phù hợp?". Ông Phan Sỹ Hùng cho biết: "Em cần học ngành quản trị kinh doanh hoặc các ngành chuyên về dầu khí, hóa dầu... vì tại Dung Quất đang rất cần nhân lực dầu khí". Còn tiến sĩ Lê Anh Duy - Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, thông tin: "Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành nghề phù hợp với sở thích của em, nhất là về các ngành liên quan tới dầu khí, như: ĐH Bách khoa TP.HCM, ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ĐH Bà Rịa-Vũng Tàu...".

Hiển Cừ - Minh Luân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.