Sáng tạo và hướng đến cái đẹp
Dù là ca sĩ, diễn viên hay là một nhân viên văn phòng bình thường, bất cứ ai cũng muốn khoác lên mình những trang phục ấn tượng nhất, phù hợp nhất và được nhiều người khen ngợi nhất. Mỗi năm, phụ nữ sẵn sàng chi rất nhiều tiền để mang về nhà nhiều bộ váy áo, giày dép. Câu tục ngữ “người đẹp vì lụa” hiểu theo nghĩa gần gũi nhất, không gì khác chính là sự tôn vinh ngành thời trang.
Chính vì “sứ mệnh” làm đẹp đó mà người làm nghề thiết kế thời trang phải có những tố chất đặc biệt. Thạc sĩ Phan Quân Dũng, Trưởng khoa Mỹ thuật ứng dụng Trường ĐH Văn Lang, nhìn nhận: “Thời trang luôn biến chuyển không ngừng qua từng thời kỳ, tuy nhiên vẫn có sự lặp lại. Sự sáng tạo ở đây được thể hiện ở chỗ, phải luôn tìm được cái mới, cái khác lạ mà trước đó ít ai làm. Đó là khả năng cách tân cái cũ, không rập khuôn cái cũ”.
Ngoài ra, theo ông Dũng, tính thẩm mỹ là tố chất quan trọng không kém. Trang phục thiết kế phải đẹp từ chất vải, phom dáng đến màu sắc… mà nếu không có tính thẩm mỹ, người thiết kế sẽ không thể có được một thiết kế duyên dáng.
|
|
Cơ hội nổi tiếng
Theo bà Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Vinatex, nếu tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang mà sáng tạo, giỏi nghề, năng động thì rất có thể sẽ trở thành nhà thiết kế độc lập và nổi tiếng, gắn liền với giới hoạt động nghệ thuật và thu nhập có thể nói là rất “khủng”.
Ông Mai Văn Thiên, Phó ban Quản lý nguồn nhân lực thuộc Tập đoàn dệt may VN, cho biết người học cũng có thể làm việc ở các phòng thiết kế của các doanh nghiệp về may mặc với nhiều cơ hội phát triển.
Nếu am hiểu về thời trang và có thẩm mỹ, phong cách tốt, nhiều người còn có thể vừa mở shop riêng vừa làm stylist chuyên về trang phục cho các nghệ sĩ. Theo ông Phan Quân Dũng, đây cũng là một nghề rất hấp dẫn hiện nay.
Bình luận (0)