Trả lời: Ở thời kỳ bào thai, tinh hoàn của bé trai nằm trong bụng, kế cận quả thận. Khi thai bước sang tháng thứ 4, tinh hoàn bị rút từ từ xuống túi da bìu. Đa số bé trai sinh ra có hai tinh hoàn nằm trong bìu, tuy nhiên, có 3%-5% số trẻ mới sinh ra (nhất là trẻ sinh non) có 1 hay cả 2 tinh hoàn "vắng mặt". Đa số trường hợp, tinh hoàn dần dần "chạy" xuống bìu, ở ngày thôi nôi, chỉ còn 0,7%-1% bé trai bị thiếu 1 hay 2 "hòn bi". Tỷ lệ tinh hoàn ẩn ở người lớn cũng vào khoảng 0,7%.
Tinh hoàn ẩn thường bị teo phần tế bào sinh tinh trùng (nên gây vô sinh), nhưng tế bào sản xuất testosterone (nội tiết tố nam giới) vẫn khỏe mạnh, nên đàn ông bị tinh hoàn ẩn cả hai bên vẫn "vai to lưng rộng". Ngoài nguy cơ vô sinh, tinh hoàn ẩn còn dễ bị ung thư hơn tinh hoàn nằm trong bìu. Do vậy, bệnh tinh hoàn ẩn cần phải được chữa trị.
Ở người lớn như chồng chị, phẫu thuật là cách duy nhất hiện nay để đưa tinh hoàn xuống bìu. Nếu cuống mạch máu của tinh hoàn ẩn đủ dài, thì chỉ cần mổ 1 lần để đưa tinh hoàn xuống bìu. Nhưng nếu cuống ngắn quá thì bệnh nhân cần được mổ 2 lần cách nhau 6 tháng. Hiện nay, bằng phẫu thuật nội soi, trên 90% trường hợp tinh hoàn ẩn được đưa xuống bìu với chỉ 1 lần mổ.
Nếu mổ đưa được cả hai tinh hoàn xuống bìu, thì một số ít trường hợp sự sinh tinh sẽ hồi phục, bệnh nhân có thể có con tự nhiên hay bằng thụ tinh nhân tạo.
Bác sĩ Nguyễn Thành Như
(Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Bình Dân, TP.HCM)
Bình luận (0)