Chống tham nhũng, Chính phủ “nói đúng mực, làm kiên quyết”

18/10/2006 00:23 GMT+7

* Năng lực cạnh tranh của Việt Nam giảm 3 bậc, tại sao? Ngày 17/10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI đã khai mạc tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội mở đầu cho hơn 1 tháng làm việc với chương trình dày đặc. Tâm điểm của ngày khai mạc là bản báo cáo dài 23 trang của Chính phủ về tình hình kinh tế-xã hội năm 2006 và nhiệm vụ năm 2007 do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày.

Bản báo cáo của Chính phủ cho hay, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm nay ước tăng 8,2% (kế hoạch là 8%). GDP bình quân đầu người đạt trên 11,5 triệu đồng, tương đương 720 USD (năm 2004 tương đương 640 USD). Đánh giá về năm 2006, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Hầu hết các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt mức Quốc hội đề ra; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; các cân đối lớn được bảo đảm và ổn định được kinh tế vĩ mô". Năm 2007, Chính phủ đề nghị mức tăng trưởng kinh tế khoảng 8,2-8,5%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 820 USD; tốc độ tăng giá tiêu dùng tiếp tục đề nghị ở mức thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Và để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch gồm 4 nhóm giải pháp chủ yếu.

Loại bỏ giấy phép, quy định gây phiền hà cho doanh nghiệp

Cũng trong ngày khai mạc, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006, phương án dự toán và phân bổ ngân sách Nhà nước năm 2007; nghe Bộ trưởng Công nghiệp Hoàng Trung Hải trình bày tờ trình về di dân tái định cư Thủy điện Tuyên Quang; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Tráng A Pao báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu báo cáo giám sát việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Hôm nay, 18/10 Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách.

Giải pháp đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cập là chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ông nói: "Chính phủ thực hiện nhất quán các chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp".

Theo đó, Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực và có nhiều chủ sở hữu, tạo sức mạnh cho nền kinh tế trong hội nhập kinh tế quốc tế; khuyến khích phát triển mạnh các doanh nghiệp cổ phần và các loại hình kinh tế dân doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp cận bình đẳng về nhu cầu sử dụng đất và các nguồn vốn. Người đứng đầu Chính phủ cam kết rà soát lại các loại giấy phép, các quy định về lập doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư, giao đất, thẩm định và phê duyệt dự án, cấp phép xây dựng, nộp thuế, xuất nhập khẩu... Mục đích là "để loại bỏ những giấy phép, những quy định phiền hà, gây chậm trễ, ách tắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp", ông nói.

Kiểm soát chặt chẽ độc quyền và tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia và cạnh tranh bình đẳng trên thị trường dịch vụ là một cam kết khác của Thủ tướng.

Xây dựng nền hành chính điện tử

Cải cách hành chính tiếp tục được Chính phủ đề cập như một giải pháp chủ động để nâng cao hiệu quả nền kinh tế, hiệu lực điều hành và chống tham nhũng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: "Tiếp tục rà soát để xóa bỏ các quy trình, thủ tục hành chính trùng chéo, phức tạp, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp...; từng bước xây dựng nền hành chính điện tử, trong đó các giao dịch hành chính giữa các cơ quan hành chính Nhà nước với người dân, doanh nghiệp được thực hiện phổ biến qua giao dịch điện tử". Chính phủ sẽ đổi mới và hoàn thiện quy chế làm việc với chế độ công vụ rõ ràng, minh bạch; sửa đổi tiêu chuẩn, chức danh công chức và cơ chế đánh giá cán bộ, công chức.

Bên cạnh đó, theo Thủ tướng, Chính phủ sẽ quyết liệt trong đôn đốc, kiểm tra việc xây dựng và thực hiện chương trình hành động phòng chống tham nhũng, lãng phí của các bộ, địa phương, thật sự thiết thực, hiệu quả. "Nói đúng mực, làm kiên quyết, đúng pháp luật, trước hết là ở ngành, địa phương, đơn vị mình", Thủ tướng nhấn mạnh. "Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Xử lý đúng pháp luật, kịp thời, công khai những cán bộ, công chức tham nhũng", Thủ tướng nói thêm.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam giảm 3 bậc, tại sao?

Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội cũng đồng ý xem cải cách hành chính là biện pháp để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của chỉ đạo điều hành. Nhưng ủy ban này lưu ý Chính phủ phải tập trung giải quyết tốt hơn vấn đề tổ chức bộ máy và cán bộ công chức theo hướng tinh gọn, rõ ràng về trách nhiệm, đề cao vai trò và tính kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật và trách nhiệm công vụ.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban nói: "Nhìn tổng thể, năng lực cạnh tranh của Việt Nam từng bước được cải thiện, nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh của Việt Nam năm 2006 bị giảm 3 bậc so với năm 2005 (đứng vị trí 77 trên tổng số 125 quốc gia)". Mà nguyên nhân là do: "Cải cách hành chính chậm và hiệu quả trên thực tế còn thấp; môi trường đầu tư, kinh doanh thể hiện trong quy định của hệ thống pháp luật đã thuận lợi nhiều, nhưng trong tổ chức thực hiện gặp nhiều rào cản do cục bộ và trách nhiệm thấp", ông Kiên đánh giá.

Vẫn theo Ủy ban Kinh tế và Ngân sách: đạo đức, kỷ cương công vụ của một bộ phận công chức, tình trạng lãng phí, tham nhũng trong bộ máy quản lý Nhà nước vẫn là cản trở lớn trong nâng cao hiệu lực, hiệu quả và lành mạnh hóa nền hành chính quốc gia. Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải có bước đột phá trong việc chấn chỉnh và siết chặt kỷ luật hành chính trong hoạt động của bộ máy Nhà nước và thực thi công vụ của cán bộ, công chức.

Ủy ban Kinh tế và Ngân sách cũng đồng ý tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì ở mức cao nhưng đánh giá: "Hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế chưa có chuyển biến". Cụ thể: giá trị tăng thêm vẫn giữ ở mức thấp; đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng vẫn là yếu tố vốn (chiếm tới 60%) và lao động; hàm lượng trí tuệ trong sản phẩm thấp; hiệu quả kinh tế trên 1 đồng chi phí giảm so với năm 2005. Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải ngăn chặn có hiệu quả tình trạng doanh nghiệp "ma", mua bán hóa đơn, chứng từ bất hợp pháp; phải đánh giá thực chất hơn các dự án có vốn đầu tư nước ngoài để khắc phục tình trạng tiếp nhận bất cứ loại dự án đầu tư nào.

T.Nhung

Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.