ĐEM NHÀ CỦA KHÁCH ĐI THẾ CHẤP NGÂN HÀNG
Mới đây HĐND TP.HCM đã công bố danh sách 60 dự án chủ đầu tư đem thế chấp ngân hàng như: chung cư Bảy Hiền (Q.11) thế chấp ngân hàng năm 2008, chung cư Minh Thành (Q.7) thế chấp năm 2010, chung cư Phú Thạnh (Q.Tân Phú) thế chấp năm 2010, chung cư Tân Hồng Ngọc (Q.Tân Phú) thế chấp năm 2010, chung cư Dreamhome Luxury (Q.Gò Vấp) thế chấp ngân hàng từ năm 2015… Đáng nói, rất nhiều người chỉ khi vào ở rồi mới biết, căn hộ của mình đã bị chủ đầu tư mang đi thế chấp tại ngân hàng.
Chị Thùy Vân đứng ngồi không yên khi biết tin căn hộ của mình đã bị chủ đầu tư chung cư Linh Đông (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đem đi cầm cố tại một ngân hàng. Căn hộ này khi mua chị đã cầm cố tại một ngân hàng khác để vay tiền mua nhà. Nghĩa là căn hộ này đã được mang thế chấp tới 2 lần. Các căn hộ khác ở dự án này bị rơi vào tình trạng tương tự. Hiện nay các cư dân đang yêu cầu gặp chủ đầu tư để làm rõ trắng đen.
"Chúng tôi kiểm tra và phát hiện chủ đầu tư đang nằm trong nhóm nợ xấu, đã không trả tiền lãi ngân hàng nhiều tháng rồi. Ngân hàng cũng đã có thông báo phát mãi tài sản để đấu thầu. Chúng tôi rất lo lắng vì không biết căn hộ của mình có nằm trong diện bị ngân hàng phát mãi hay không. Không những vậy, tiền quỹ bảo trì căn hộ 2% chủ đầu tư cũng chiếm dụng nhiều năm qua. Chung cư mấy năm nay xuống cấp dữ lắm rồi vì từ hồi bàn giao tới giờ chưa được sơn chống thấm mặt ngoài lần nào nhưng không có tiền để sửa chữa vì quỹ bảo trì đã bị chiếm dụng", chị Thùy Vân bức xúc.
Tại chung cư Khang Gia Tân Hương, từ năm 2011 chủ đầu tư dự án là Công ty Khang Gia đã đem toàn bộ 338 căn hộ và trung tâm thương mại ở đây thế chấp vay tiền tại Ngân hàng Nam Á. Các cư dân cũng đem căn hộ thế chấp tại một ngân hàng khác để vay vốn trong gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa một căn hộ đem thế chấp 2 lần. Có thời điểm ngân hàng "hăm he" đòi thu giữ tài sản, đem đấu giá các căn hộ của cư dân để thu hồi nợ từ chủ đầu tư gây hoang mang cho rất nhiều người.
Không những thế, chủ đầu tư còn dính hàng loạt sai phạm như xây dựng không phép khi đem các tầng thương mại chia nhỏ thành hơn 71 căn nhà, bao gồm 65 căn hộ, 4 ki ốt, 1 phòng làm việc của ban quản lý chung cư và 1 phòng phục vụ hồ bơi. Chủ đầu tư cũng chiếm dụng luôn 2% quỹ bảo trì căn hộ. Đến nay, chung cư này vẫn chưa được nghiệm thu đủ điều kiện để đưa vào sử dụng, chưa được cấp sổ hồng cho người mua nhà, dù họ đã dọn về sinh sống hàng chục năm qua.
Không chỉ đem nhà của khách hàng đi thế chấp vay ngân hàng, Công an TP.HCM còn công bố 25 chung cư chưa nghiệm thu hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng đã đưa người dân vào ở.
Những cái tên được nhắc đến là: chung cư New City Thủ Thiêm, chung cư đường 18, chung cư Cao Ốc Xanh (block C), khu văn phòng chung cư PetroVietnam Landmark (TP.Thủ Đức); căn hộ cao cấp Mỹ Vinh (Q.3), chung cư Ngọc Khánh (Q.5), hai tòa chung cư 78 (Q.6), cao ốc thương mại dịch vụ Lakeside Tower (Q.7), tòa nhà River Park (Q.10), cụm nhà chung cư Moscow Tower (Q.12), chung cư La Bonita và chung cư Bắc Bình (Q.Bình Thạnh), chung cư Nguyễn Quyền và chung cư Full House (Q.Bình Tân), chung cư Bảy Hiền Tower (Q.Tân Bình), chung cư Rubyland và Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú), chung cư Hồng Lĩnh và khu dân cư căn hộ cao tầng 584 (H.Bình Chánh)…
LỖ HỔNG QUẢN LÝ
Về nguyên tắc, chung cư muốn đưa vào sử dụng phải có văn bản đồng ý của Sở Xây dựng. Thế nhưng nhiều chung cư xây dựng sai phép, không phép, chủ đầu tư đem nhà của người dân đi cầm cố ngân hàng, nhưng vẫn được bàn giao cho người dân vào ở.
Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) phân tích: Theo quy định khi ký hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng, chủ đầu tư nếu đang cầm cố các căn hộ phải giải chấp. Khi bàn giao nhà cho khách hàng vào ở, nhà phải được nghiệm thu đủ điều kiện, trong đó quan trọng nhất là PCCC. Sau 60 ngày bàn giao nhà, chủ đầu tư có trách nhiệm làm sổ hồng, bàn giao cho khách. Luật quy định là vậy nhưng thực tế rất nhiều chung cư dù chưa được nghiệm thu đủ điều kiện vào ở, nhất là chưa nghiệm thu PCCC, xây dựng sai phép, thậm chí nhà của người dân chủ đầu tư đem cầm cố ngân hàng để vay tiền nhưng chủ đầu tư vẫn "lùa" khách hàng vào ở, rất nguy hiểm nếu xảy ra sự cố liên quan đến PCCC.
Để xảy ra chuyện này, theo luật sư Cường, lỗi phần lớn là do chủ đầu tư nhưng cơ quan quản lý Nhà nước cũng không thể vô can. "Đối với những chủ đầu tư đã bán nhà cho người dân vẫn đem đi thế chấp ngân hàng vay tiền và những chủ đầu tư không đầu tư hệ thống PCCC hoàn chỉnh mà đưa dân vào ở, cần xử lý hình sự, tội lừa đảo chiếm dụng tài sản. Làm mạnh tay và nghiêm như vậy mới không xảy ra các sự cố đáng tiếc như cháy chung cư Carina", luật sư Cường kiến nghị.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết đến nay trên địa bàn TP còn khoảng 81.000 căn nhà chưa được cấp sổ hồng. Lỗi một phần do chủ đầu tư, nhưng cơ quan chức năng cũng không thể vô can. Mới đây HĐND TP.HCM cũng họp chất vấn UBND TP.HCM về trách nhiệm trong việc quản lý chung cư, cấp sổ hồng. Thực tế cho thấy có một số ít chủ đầu tư không có năng lực nên
chây ì không nộp tiền sử dụng đất dẫn đến dự án không thể hoàn công và cấp sổ. Nhưng số đông là chủ đầu tư muốn đóng tiền sử dụng đất và tiền sử dụng đất bổ sung, nhưng cơ quan nhà nước chậm ban hành thông báo để doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung (nếu có).
"Chữ "nếu có" này làm khổ doanh nghiệp, khổ người dân. Bởi chữ "nếu có" này có thể có, có thể không. Nếu có thì doanh nghiệp đóng bao nhiêu, không có thì phải cấp sổ hồng cho doanh nghiệp, cho khách hàng. TP đổ thừa toàn bộ cho chủ đầu tư, trong khi lỗi phần lớn do Nhà nước chậm thông báo cho doanh nghiệp đóng tiền", ông Lê Hoàng Châu nói thẳng.
"Ngoài việc sai phạm của chủ đầu tư, cũng có một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng khi quản lý, xử phạt không nghiêm, thậm chí có biểu hiện bao che, dung túng cho việc làm sai. Do vậy, cần tách bạch trong việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư với việc cấp sổ hồng cho người mua nhà", ông Châu nhấn mạnh.
Bình luận (0)