Chữ ký điện tử - thật giả khó lường

31/05/2005 22:48 GMT+7

Ngày 31/5, QH tiếp tục thảo luận về dự án Luật Sở hữu trí tuệ và cũng đã kết thúc thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử. Dự án luật này ra đời sẽ là cơ sở khẳng định tính pháp lý của nhiều vấn đề lâu nay chưa được pháp luật thừa nhận như chữ ký điện tử, các hợp đồng giao dịch điện tử...

Không phải chữ ký điện tử nào cũng an toàn

Trong bản dự thảo Luật Giao dịch điện tử, có tới 7 điều quy định về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử (CKĐT). Theo đó, CKĐT có thể tạo lập dưới dạng từ, chữ, ký hiệu, âm thanh... gắn liền với thông điệp, dữ liệu, có giá trị "xác lập người ký thông điệp dữ liệu" và được Nhà nước "công nhận giá trị pháp lý...". Trong khi một số ĐB vẫn tỏ ý lo ngại về độ tin cậy của CKĐT, ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) lại thấy rất yên tâm: "Chữ ký tay bình thường nhiều khi có thể ký giả được mà khó giám định thật, giả. Con dấu thường có thể cắt củ khoai lang làm ra dấu tốt nhưng để làm giả CKĐT là không dễ tí nào". Theo ông Hậu,  "CKĐT dễ bảo mật hơn và ở bất cứ đâu, một giám đốc doanh nghiệp có thể ký, xem lại dữ liệu rất thuận tiện và ít rủi ro".

Bộ trưởng Bưu chính - Viễn thông Đỗ Trung Tá (ĐB Bắc Giang) tham gia tranh luận: "Thực ra CKĐT cũng có rất nhiều dạng khác nhau. Không phải ai cũng có thể nắm bắt được độ tin cậy của CKĐT  và trên thực tế, cũng gây khó khăn cho việc xét xử của tòa án khi có tranh chấp". Ông bộ trưởng cho biết: "Có nhiều nước như Trung Quốc chỉ chấp nhận giá trị của một loại chữ ký gọi là CKĐT an toàn". Theo ông Tá, ban soạn thảo cần quy định chặt chẽ hơn, ví dụ như quy định về chế độ cấp phép loại CKĐT nào đó thì mới có thể bảo vệ quyền lợi của người tham gia các giao dịch điện tử. ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) tán đồng: "Nên chọn phương án như Bộ trưởng Tá nêu".

Thông tin thời sự không được bảo hộ quyền tác giả ?

Trước đó, trong phiên họp vào buổi sáng, QH cũng đã tiếp tục thảo luận về dự án Luật Sở hữu trí tuệ. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Trân, cần phải bổ sung quyền sở hữu về quỹ gien vì đây là một thất bại của nhiều quốc gia như Mexico do không quy định rõ bảo vệ quyền với loại tài sản đặc biệt này. Thứ trưởng  Bộ Thủy sản Nguyễn Thị Hồng Minh (ĐB An Giang) bổ sung thêm: "Tại sao trong đối tượng được bảo hộ lại không có đối tượng là động vật - được coi như những sản phẩm mới, trong đó có cả những giống tự nhiên sản sinh được và cả những giống do nhân tạo?". Theo bà Minh, trong ngành thủy sản Việt Nam hiện nay, có những loại thủy sản mà nhiều năm nghiên cứu sinh sản nhân tạo mới có được.

ĐB Lê Quốc Trung (Bình Thuận) lại nêu lên một điểm dở khác của dự thảo luật: "Khoản 2 điều 15 có ghi là tin tức thời sự mang tính chất thông tin thuần túy thì không được bảo hộ quyền tác giả". Theo ông Trung, "tại điều 19 khoản 3 đã ghi bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, phản đối sự bóp méo, cắt xén hoặc sửa đổi theo bất cứ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả". Vì vậy, ông kiến nghị  "phải thể hiện rõ sự bảo hộ".

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.