6 giờ sáng, đồng hồ báo thức kêu reng reng, "chú lùn" Đinh Văn Phú mở mắt, xỏ giầy, cầm theo một cuốn sách, chiếc bút chì và đi bộ một vòng quanh Hồ Gươm. Một ngày mới bắt đầu.
"Chú lùn" Đinh Văn Phú (trái) và một người bạn nước ngoài - Ảnh: Lê Nam |
"Hạt thóc lép" đi khắp muôn nơi
Cả phố Hàng Cót và nhiều con phố khác trong khu phố cổ Hà Nội, không còn xa lạ với ông Đinh Văn Phú, 61 tuổi, người cao chỉ nhỉnh hơn 1,1 m, sống ở ngôi nhà nhỏ số 24C, nhưng đã chinh phục đỉnh Fansipan, được sang Mỹ 6 tháng và đang là thầy giáo dạy tiếng Anh miễn phí cho hàng trăm học sinh, sinh viên.
Căn nhà của ông đang ở tổng diện tích chừng 3 mét vuông, chia 2 tầng. Ông Phú kê ra vỉa hè một cái bàn, dăm cái ghế nhựa để khách tạt vào uống chén trà nóng, ăn chiếc kẹo lạc. Tầng 2 đủ kê chiếc đệm, treo cái ti vi, để khuya người đàn ông ngả lưng xem thời sự, bóng đá.
“Mẹ sinh tôi ra bình thường lành lặn như anh em, nhưng bao năm tháng tôi vẫn chỉ cao như một cậu học sinh lớp 1. Tôi lớn lên, tự coi mình như một hạt thóc lép nhưng không dừng lại với sự thách thức của số phận”, ông Phú trầm ngâm bên chén trà nóng.
Ông Đinh Văn Phú trên đường chinh phục đỉnh Fanxipan - Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Năm 1996, Đinh Văn Phú mở quán nước chè ở nhà. Một ngày, tình cờ có ông Tây đi ngang, xì xồ và ra hiệu bằng đủ ngôn ngữ cơ thể, người đi đường lắc đầu. Ông Phú chạy lại, sau vài câu, họ cùng cười. Ông Tây đi, sau khi chìa tay ra và nói: “Tôi là Jim”. Ông Phú cũng không thể ngờ, đó là cuộc gặp gỡ định mệnh, thay đổi cuộc đời mình, khi chỉ vài tháng sau, Jim bất ngờ trở lại quán nước, tặng ông Phú một cuốn sách, tập giấy, cây bút và nói: “Anh có muốn học tiếng Anh không, tôi sẽ dạy cho anh?”.
Ông Phú học hành chăm chỉ dưới sự giúp đỡ của người bạn Canada, ngày nào cũng vừa bán hàng vừa nói chuyện với người nước ngoài. Jim bất ngờ phải về nước, hẹn ngày trở lại với một điều kiện, ông Phú không được quên những gì anh đã dạy. Cơ duyên đã đưa đẩy ông tới một ân nhân nữa, cô giáo Trần Thị Thái, giảng viên Đại học quốc gia Hà Nội, cô Thái mời ông Phú về học tiếng Anh ở lớp học tại nhà riêng. Ông Phú thông minh, chỉ trong một thời gian ngắn đã bắt kịp bạn bè.
Ông Đinh Văn Phú đọc báo khi vắng khách - Ảnh: Lê Nam
|
Tiếng Anh thông thạo đã giúp "chú lùn" Phố cổ Hà Nội bán hàng tốt hơn cho người nước ngoài, quán nước nhỏ cũng là nơi ông Phú hội ngộ với những người bạn khắp thế giới: là Jim từ Canada, là Patrick từ Mỹ, là Peter từ Anh... Quán nước chè được căng một tấm bạt thay lời quảng cáo “Đi khắp muôn nơi”. Số là, từ bao giờ cũng không rõ, ông Phú từ người bán nước trở thành một hướng dẫn viên du lịch, đưa những người bạn nước ngoài đến khắp các thắng cảnh của Việt Nam, từ Bát Tràng, Ninh Bình, Sa Pa, Hạ Long tới cả đỉnh Fanxipan trên núi Hoàng Liên Sơn.
Năm 2009, sau khi chương trình Người đương thời kể về hành trình vượt lên số phận của "chú lùn" Đinh Văn Phú phát sóng trên VTV, một kênh truyền hình của Mỹ tình cờ để ý đến Đinh Văn Phú. Những người bạn từ bờ bên kia Thái Bình Dương bay về Hà Nội xác nhận thông tin, họ làm chương trình về ông. Năm 2009, nước Mỹ tổ chức hội thảo về Hiệp hội người lùn toàn thế giới, ông Phú được mời tới Mỹ.
“Tôi được ở 6 tháng, tại 6 bang của nước Mỹ. Ngày đi, tôi một mình tới sân bay Nội Bài trong lâng lâng niềm vui của giấc mơ có thật. Patrick đang đi công tác, anh bay về Mỹ tiếp đón tôi như một người thân yêu trong gia đình. Đến bây giờ Patrick vẫn hay ghé nhà chơi, giờ thì anh ấy đang ở Đà Nẵng”, ông Phú cười tươi.
“Tôi muốn lấy vợ”
Nhiều năm nay, cứ chiều thứ 6 hàng tuần, tại ngay quán nước của "chú lùn" họ Đinh là một lớp học tiếng Anh miễn phí cho học sinh, sinh viên, trẻ em, người lớn, bất kể ai quan tâm thì đến kéo ghế và ngồi học. Những người bạn Tây thay phiên nhau làm thầy giáo, trước là Julian, người Thụy Sĩ, giờ là Denisl, người Úc. Ông Phú làm trợ giảng, cũng miễn phí, nhiều khi khách đến học trả tiền uống nước ông cũng lắc đầu không lấy.
“Tôi muốn trả nợ thế gian, tôi nợ Jim, nợ cô Thái, nợ Patrick và nhiều người lắm”, ông Phú xúc động.
Denisl, người Úc, giáo viên tại lớp tiếng Anh miễn phí của "chú lùn" Đinh Văn Phú - Ảnh: Lê NamMột học sinh nhỏ tuổi tại lớp tiếng Anh của ông Phú, cậu bé Phạm Văn Hùng (xã An Thượng, huyện Hoài Đức) này từng nổi danh Hà Nội khi là thần đồng biết đọc chữ từ năm lên ba tuổi - Ảnh: Lê Nam
|
Thời gian này, quán nước Đi khắp muôn nơi hay có một người quen đến, cùng người đàn ông thu dọn bàn ghế mỗi sớm mai, quét lại cái mạng nhện trên trần nhà, giặt một chậu quần áo trước khi trời trở rét, nấu một nồi bún riêu cua nóng hổi rồi cùng nhìn nhau ăn.
Người phụ nữ tên Lan, quê ở ngoại thành Hà Nội, đang làm cấp dưỡng cho một công ty trong phố cổ kiên quyết không để chúng tôi chụp tấm ảnh hai người đang gắp đồ ăn cho nhau, vì bảo “xấu hổ”. Ông Phú thì len lén đưa chúng tôi xem những tin nhắn hai người nhắn cho nhau vào một buổi tối khuya, đó là lời nhắc ông Phú mặc đủ ấm, ăn uống cẩn thận và đi ngủ sớm hơn.
“Tôi sợ tuổi già, bệnh tật và cô đơn. Tôi cũng muốn lấy vợ, nhưng sợ người ta không ưng mình nên đâu dám tỏ tình”, người đàn ông tuổi 61 đỏ mặt như chàng trai lần đầu biết yêu…
Bình luận (0)