Hóa học luôn là lựa chọn thứ 2, thậm chí là cuối cùng của học sinh
Sau buổi thuyết giảng về 'hóa học click' trước các sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, ông có nhận xét gì về sinh viên Việt Nam?
Việt Nam có khí hậu ấm áp và con người Việt Nam cũng ấm áp. Trong phần hỏi đáp buổi thuyết giảng sáng nay, tôi nhận thấy sinh viên Việt Nam rất ham học hỏi. Có những bạn dù không theo chuyên ngành hóa học nhưng vẫn tập trung lắng nghe và đặt câu hỏi cho tôi để tìm hiểu thêm về lĩnh vực này.
Tôi nhận được nhiều câu hỏi chất lượng cao từ sinh viên và mức độ thấu hiểu vấn đề của các bạn cũng rất cao.
Giải Nobel Hóa học có ý nghĩa như thế nào đối với giáo sư?
Sau khi được trao giải Nobel Hóa học, tôi có hai công việc phải làm cùng một lúc. Một bên là công việc giảng dạy sinh viên ĐH và thực hiện dự án nghiên cứu hiện hữu, một bên là công việc, hoạt động liên quan đến giải thưởng Nobel.
Với tư cách là nhà khoa học đoạt giải Nobel, tôi có cơ hội diễn thuyết trước nhiều người. Điều này giúp tôi có thêm nhiều ý tưởng mới vì tôi có cơ hội diễn thuyết trước công chúng nhiều hơn để từ đó truyền cảm hứng cho mọi người về ngành hóa học, giải đáp những thắc mắc và giúp mọi người hiểu hơn về lĩnh vực này.
Ở Việt Nam, các ngành khoa học cơ bản không phải là ưu tiên lựa chọn của nhiều bạn trẻ khi học ĐH. Đất nước Đan Mạch của ông thì như thế nào, theo ông cần có giải pháp ra sao để tạo nguồn cảm hứng cho học sinh, sinh viên muốn theo đuổi ngành khoa học cơ bản như hóa học?
Tôi nghĩ rằng Đan Mạch cũng tương tự như Việt Nam với số lượng sinh viên ngành hóa học tăng và giảm qua từng năm. Cụ thể, ngành hóa học luôn là lựa chọn thứ 2, thậm chí là cuối cùng của học sinh Đan Mạch sau khi chọn những ngành 'hot' như y khoa, luật sư…
Chúng tôi muốn thay đổi quan điểm này của học sinh. Vì thế, tôi, các lãnh đạo ĐH, nhà giáo dục và quản lý giáo dục đang có những cuộc đàm phán với Chính phủ cùng các tổ chức để đưa môn hóa vào dạy cho học sinh từ lớp 1. Một trong số những ý tưởng của chúng tôi là tập trung các nhà làm phim hoạt hình để chuyển tải nội dung bài học về hóa học thành video học liệu sinh động, bắt mắt, dễ tiếp thu cho học sinh tiểu học. Bên cạnh đó, chúng tôi dự định thiết kế chương trình dạy hóa học ứng dụng công nghệ thực tế ảo (VR).
Tất cả những nỗ lực này là nhằm giúp cho thế hệ trẻ có nhận thức rằng hóa học cũng là một ngành khoa học đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống.
Không áp đặt con cái chọn ngành nghề
Vợ chồng ông có định hướng gì về ngành nghề cho con cái?
Không, chúng tôi để cho các con tự quyết định ngành nghề của mình. Dù hiện là nhà hóa học nhưng chúng tôi không thể áp đặt con cái đi theo con đường này.
Nhưng thật may mắn là con trai của chúng tôi đã quyết định cho ngành hóa học. Bản thân con trai tôi yêu thích khoa học tự nhiên, đã cân nhắc, thử những lĩnh vực khác nhau và cuối cùng tự mình chọn ngành hóa học. Còn con gái của tôi thì chọn ngành âm nhạc.
Khi còn trẻ, ông đã gặp phải và vượt qua những khó khăn trong quá trình làm nghiên cứu như thế nào?
Đối với tôi, nghiên cứu khoa học không có gì khó khăn mà là niềm vui nên tôi nghĩ rằng tôi không phải trở thành nhà khoa học đình đám để chứng minh cho cha mẹ, người thân, bạn bè thấy năng lực của mình.
Tôi may mắn thừa hưởng một đặc điểm từ gia đình đó là có khả năng giải quyết những vấn đề phức tạp. Khi còn là sinh viên, khi đối mặt thách thức, tôi sẽ suy nghĩ ngày lẫn đêm, thử nghiệm cho đến khi nào tìm ra được giải pháp giải quyết vấn đề tốt nhất.
Khi còn là sinh viên, có một giai đoạn điểm số bài thi môn chuyên ngành không tốt nên tôi không nhận được khoản trợ cấp tài chính từ chính phủ Đan Mạch. Vì thế, trong suốt 1 học kỳ ở năm 3 bậc ĐH, tôi vừa học vừa làm cùng lúc 7 công việc. Sau đó, tôi tập trung học tập, đạt điểm cao các kỳ thi, tiếp tục nhận trợ cấp và các dự án nghiên cứu cũng được phê duyệt và có công bố trên tạp chí.
Học thuộc lòng, làm theo sách vở, thầy cô không giúp ích cho sự sáng tạo
Theo giáo sư làm thế nào để duy trì tình yêu, ngọn lửa đam mê nghiên cứu để gắn bó lâu dài với khoa học?
Để duy trì tình yêu, ngọn lửa đam mê nghiên cứu, gắn bó lâu dài với khoa học thì nhà nghiên cứu phải không ngừng đặt câu hỏi, không ngừng suy nghĩ và tìm tòi vấn đề mới.
Theo tôi, học sinh trung học đạt điểm cao trong lớp, học giỏi chưa chắc sẽ trở thành nhà nghiên cứu giỏi trong tương lai. Trong khi đó, những em có nhiều đam mê với các lĩnh vực khác nhau nhưng lại không đạt điểm cao ở trường thì lại có khả năng trở thành nhà khoa học thành công.
Tất cả phương pháp học thuộc lòng, làm theo sách vở, thầy cô không giúp ích cho sự sáng tạo mà điều quan trọng là tạo ra những suy nghĩ có sự liên kết với nhau trong não, không ngừng tìm tòi và đến lúc nào nó sẽ thúc đẩy sự sáng tạo.
Những yếu tố giữ chân nhà khoa học giỏi
Một câu hỏi cuối, làm sao để các trường ĐH thu hút, giữ chân những giảng viên giỏi, nhất là nhà khoa học đoạt giải Nobel như ông?
Điều quan trọng là trường ĐH phải có cơ sở vật chất tốt, đầy đủ trang thiết bị để các nhà khoa học có thể thực hiện những nghiên cứu. Chính phủ, nhà trường cần có chính sách đãi ngộ về tiền lương để giữ chân tuyển dụng nhân tài. Đồng thời mở rộng quỹ hỗ trợ tài chính cấp quốc gia cho nhà khoa học thực hiện những dự án, công trình nghiên cứu, cân đối việc rót quỹ cho những nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng.
Nếu nguồn kinh phí và tài nguyên hạn hẹp, chúng ta chỉ nên tập trung đầu tư phát triển một ngành hoa học tiềm năng nhất, tạo dựng vị thế trên thế giới thì hiệu quả hơn là dàn trải nhiều ngành khác nhau.
Bình luận (0)