Nhà khoa học 8x dễ thương ở Hà Nội
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, TS Lê Mai Lan, Chủ tịch Hội đồng trường ĐH VinUni đã chia sẻ bức ảnh bà chụp với TS John Jumper (sinh năm 1985) từ tháng 12.2022, khi ông đến Hà Nội để tham dự Tuần lễ VinFuture, với lời chúc: "Rất vui khi biết em đạt giải Nobel. Rất vui bởi em đã đến Việt Nam. Hôm gặp em chị đã biết em là một thiên tài! Cũng rất vui vì em đã nói chuyện với sinh viên VinUni. Hội đồng VinFuture đã quá xuất sắc phát hiện và trao giải cho em từ khi em chưa thực sự nổi tiếng!".
Chia sẻ với Báo Thanh Niên, TS Lê Mai Lan nhớ lại: "TS John Jumper là một trong hai nhà khoa học đạt giải đặc biệt trong nghiên cứu các lĩnh vực mới của VinFuture 2022 nhờ công trình hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2. Trước lễ trao giải, tôi đã gặp và phỏng vấn John tại khách sạn Metropole, Hà nội. Bạn ấy rất trẻ, tóc tai bù xù, quần kaki, áo len cổ lọ, không khác nhiều các sinh viên mà tôi vẫn gặp hàng ngày ở VinUni.
John khá lo lắng mặc gì để lên hình cho "ngon". John trả lời rất kỹ càng mọi câu hỏi, thỉnh thoảng lại hỏi lại, "em nói có dài quá không?", "em nói vậy được chưa?". Khi đó tôi đã thấy bạn ấy quá ấn tượng, công trình mà nhóm bạn ấy làm quá vĩ đại. Cũng ngay lúc đó tôi đã tin tưởng chắc chắn rằng bạn ấy sẽ còn tiến rất xa, và cảm thấy vinh hạnh được tiếp xúc một người tuyệt vời như vậy!".
Chủ nhân Nobel hóa học 2024 từng đến Việt Nam nhận giải thưởng VinFuture
Nhà khoa học còn lại, đồng chủ nhân giải đặc biệt trong nghiên cứu các lĩnh vực mới của VinFuture 2022 với TS John Jumper mà TS Lê Mai Lan nhắc đến ở trên là TS Demis Hassabis, đồng sáng lập Deepmind, một công ty AI trong lĩnh vực khoa học thần kinh, được Google mua lại vào tháng 1.2014 (thương vụ lớn nhất châu Âu cho đến nay). TS Demis Hassabis cũng là một trong số ba nhà khoa học được giải Nobel hóa học 2024 như TS John Jumper (người thứ ba là GS David Baker, Viện Y khoa Howard Hughes, ĐH Washington, Mỹ). Vì lý do cá nhân mà TS Hassabis không thể bay sang Việt Nam nhận giải VinFuture.
TS John Jumper có mặt ở Hà Nội từ khá sớm (ngày 16.12.2022) với dự định sẽ dự các sự kiện khoa học của tuần lễ VinFuture. Tuy nhiên, vì có việc riêng khẩn cấp, TS John Jumper đã phải quay về Mỹ ngay lập tức mà không thể ở lại Hà Nội cho đến đêm trao giải (20.12.2022). Tuy nhiên, TS John Jumper cũng đã vui vẻ thực hiện buổi ghi hình để ghi lại những chia sẻ của ông với các bạn trẻ Việt Nam, phát trong sự kiện "Chào tương lai", một hoạt động giao lưu giữa các chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022 với sinh viên tại Trường ĐH VinUni sáng 21.12.2022.
Hãy mơ về những điều lớn lao
Dù cả hai chủ nhân giải thưởng đặc biệt trong nghiên cứu lĩnh vực mới VinFuture 2022 không có mặt trong cuộc giao lưu với sinh viên tại Trường ĐH VinUni, chương trình "Chào tương lai" vẫn dành thời lượng gần 10 phút để kể về dự án AlphaFold 2 của hai ông. Trong đó gồm đoạn phim ghi lại những tâm sự của TS John Jumper khi ông có mặt ở Hà Nội.
TS John Jumper nói: "Đây là lần đầu tiên tôi tới Việt Nam. Thành phố của các bạn có vẻ đẹp cổ kính, nhưng cũng rất náo nhiệt. Một nơi cho tôi cảm xúc rất tuyệt vời. Khi nhận được giải thưởng này, tôi đã rất phấn khích, đồng thời tôi cũng rất ấn tượng với tầm nhìn của giải thưởng này. Tôi thích cách giải thưởng vinh danh những lĩnh vực mới, những lĩnh vực được coi là tiên phong, những lĩnh vực mà chúng ta đang dần chạm tới, chúng ta hy vọng đó là tín hiệu của sự khởi đầu".
TS Jumper cũng cho biết, dù đã có một công cụ rất mạnh (là AlphaFold 2 - PV) rồi nhưng cá nhân ông vẫn rất hào hứng trong việc ứng dụng AI để tìm câu trả lời cho các câu hỏi tiếp theo trong sự nghiệp nghiên cứu protein của mình: "Protein di chuyển như thế nào? Nó chuyển hóa như thế nào? Những tế bào ung thư ảnh hưởng thế nào đến hành vi của protein? Hay protein phản ứng thế nào với ung thư? Rất nhiều câu hỏi tương tự khác được đặt ra mà chúng ta có thể cảm nhận rằng thời điểm của những câu hỏi như vậy đang đến", TS Jumper nói.
Trước đó, trong một phóng sự về việc nghiên cứu AlphaFold của nhóm Deepmind, TS Demis Hassabis chia sẻ sự thành công bất ngờ của dự án. Đó là một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu quá lâu, qua rất nhiều lần dừng lại, rồi lại bắt đầu từ đầu. Nhiều lần các nhà khoa học tự hỏi liệu có đi tới kết quả không thì đột nhiên xuất hiện giải pháp. Chia sẻ này được một giáo sư của ĐH Oxford, Anh bình luận: "Điều này chính là sự kỳ diệu, là điều hứng khởi khi nói về khoa học. Bạn không biết chính xác điều gì sẽ xảy ra, vậy nhưng luôn có điều bất ngờ, và nó là động lực cho các nhà khoa học khi họ hồi hộp chưa biết tiếp theo sẽ là điều ngạc nhiên nào!".
TS Jumper cũng gửi lời tâm sự tới các sinh viên với cách tiếp cận là từ trải nghiệm của chính bản thân: "Khi tôi là một sinh viên, tôi đã nghĩ rằng tôi sẽ nghiên cứu lĩnh vực nào đó để tên tôi được nhắc tới, dù chỉ là một câu trong sách giáo khoa, nói về những gì mà tôi đã thực hiện. Đó hẳn là một thành tựu ấn tượng đối với tôi. Điều mà tôi muốn gửi gắm tới các bạn đó là, ngay từ khi bắt đầu hãy cứ mơ lớn về những điều lớn lao và quan trọng, và biết đâu đấy, điều đó sẽ diễn ra! Điều đó thực sự sẽ rất tuyệt vời!"
Giải thưởng "mát tay"
Giải thưởng VinFuture là hoạt động trung tâm của Quỹ VinFuture, một tổ chức phi lợi nhuận được đồng sáng lập bởi tỉ phú Phạm Nhật Vượng cùng với phu nhân, bà Phạm Thu Hương. Giải thưởng chính Giải thưởng VinFuture có giá trị 3 triệu USD. Bên cạnh giải thưởng chính, VinFuture cũng trao 3 giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD dành cho các nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, nhà khoa học nữ và nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển.
TS Demis Hassabis và TS John Jumper được trao giải đặc biệt VinFuture 2022 dành cho nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới, bởi các ông là những tác giả của công trình tiên phong về hệ thống trí tuệ nhân tạo giải mã protein AlphaFold 2, tạo nên cuộc cách mạng trong mô hình hóa cấu trúc protein, thúc đẩy những phát triển đột phá trong lĩnh vực y sinh, y tế và nông nghiệp. Điều thú vị, cả TS Hassabis và TS Jumper đều được trao giải Nobel hóa học 2024.
Trước đó, TS Katalin Karikó và và GS Drew Weissman cũng được vinh danh ở giải Nobel y học 2023 cho công trình nghiên cứu về các biến đổi của nucleoside, từ đó giúp phát triển vắc-xin mRNA chống lại Covid-19, đây cũng là hai chủ nhân đạt giải thưởng chính VinFuture mùa đầu tiên (2021).
Việc các nhà khoa học đạt giải VinFuture trước khi được vinh danh ở giải thưởng danh giá bậc nhất toàn cầu như giải Nobel cho thấy VinFuture đã mời được những nhà khoa học có tầm vóc, có khả năng đánh giá được những công trình khoa học đỉnh cao tham gia vào hội đồng giải thưởng, giúp cho giải thưởng có được một hội đồng khoa học chất lượng hàng đầu thế giới.
Bình luận (0)