Đời sống kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số thay đổi rõ nét
Sáng 5.11, tại Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội) diễn ra Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số TP.Hà Nội lần thứ IV.
Dự đại hội có Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông; Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng 250 đại biểu đại diện cho hơn 107.000 đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố.
Với tinh thần "Đoàn kết - Đổi mới sáng tạo - Hội nhập - Phát triển", đại hội là đợt sinh hoạt chính trị - xã hội quan trọng trong đời sống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn.
Phát biểu tại đại hội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, hiện thành phố có khoảng 50 dân tộc sinh sống, đang lưu giữ và phát huy đa dạng bản sắc văn hóa của các dân tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển thủ đô, đồng bào các dân tộc luôn phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, có những đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ thủ đô và Tổ quốc.
Theo ông Thanh, thời gian qua, TP.Hà Nội đã ban hành nhiều chương trình, chỉ thị, nghị quyết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động tối đa nguồn lực của thành phố và các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn thủ đô.
Do đó, đời sống kinh tế - xã hội tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố đã có những thay đổi rõ nét.
Tốc độ tăng trưởng duy trì bình quân trên 10% năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu nhập và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao, đến nay đã tăng hơn 2 lần so với năm 2018...
Ưu tiên nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng tại các khu vực dân tộc thiểu số
Về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, ông Thanh đề nghị đại hội nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông. Đồng thời, nhấn mạnh về quan điểm trong "Quyết tâm thư" lần này, đại hội nên cân nhắc để thực hiện mục tiêu về công tác dân tộc TP.Hà Nội thì nhất định phải đi đầu toàn quốc.
Tiếp đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác dân tộc. Tiếp tục huy động, ưu tiên bố trí nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tạo điều kiện để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số, miền núi với vùng ngoại thành và đô thị.
Ban dân tộc TP.Hà Nội chủ trì tham mưu việc rà soát, điều chỉnh, ban hành hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của thành phố. Đặc biệt lưu ý những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội trong công tác dân tộc được quy định trong luật Thủ đô năm 2024…
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đề nghị đồng bào các dân tộc trên địa bàn thành phố tiếp tục giữ gìn tình đoàn kết, cùng nhau xây dựng quê hương giàu đẹp. Sức mạnh đoàn kết phải được bắt đầu từ tình thương yêu trong mỗi gia đình, sự gắn kết các dòng họ, tinh thần tương trợ "tối lửa tắt đèn có nhau" giữa các hộ dân, kết nghĩa chia sẻ giữa các dân tộc.
"Tương lai ngày mai phụ thuộc vào những gì chúng ta chuẩn bị hôm nay. Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau vun đắp khát vọng vượt khó, phấn đấu làm giàu chính đáng ngay tại mảnh đất quê hương của mình", Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nói.
Bình luận (0)