Chủ tịch HĐQT PNJ: Giá trị văn hóa trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

Chủ tịch HĐQT PNJ: Giá trị văn hóa trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp

12/10/2022 12:20 GMT+7

Phát triển bền vững là yếu tố quan trọng cho sự vững mạnh, lâu dài của doanh nghiệp, đặc biệt là trong các hoạt động kêu gọi đầu tư và giao thương quốc tế.

Cùng lắng nghe bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó chủ tịch Hội Nữ doanh nhân Việt Nam, Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) và đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) với những chia sẻ vô cùng tâm huyết vấn đề này.

Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng phát triển bền vững

Bà Cao Thị Ngọc Dung: Phát triển bền vững có nhiều chỉ số, tiêu chí để đánh giá nhưng tại PNJ thì văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của sự phát triển bền vững. Nếu nhân cách hóa doanh nghiệp như một con người, thì “con người này” cần phải có phần trí thức, phần giá trị, phần tinh thần và biết được lẽ sống của mình là gì.

Để có văn hóa doanh nghiệp, chúng ta cần phải có lẽ sống, có sứ mệnh, có tầm nhìn và tìm ra được giá trị cốt lõi của tổ chức. Trong suốt quá trình phát triển, PNJ xem niềm tin là lẽ sống, với chúng tôi có niềm tin là có tất cả. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu hình thành, PNJ đã xây dựng giá trị niềm tin là cốt lõi văn hóa doanh nghiệp. Hơn thế nữa, 5 giá trị cốt lõi của PNJ qua từng thời kỳ, từng giai đoạn luôn có sự làm giàu thêm, phát huy những giá trị mới phù hợp với thời cuộc. Người ta thường nói, xây nhà đầu tiên cần phải có nền móng, thì văn hóa doanh nghiệp và con người chính là nền móng của sự phát triển bền vững.

Bà Cao Thị Ngọc Dung cùng các nhân viên tại Ngày hội văn hóa PNJ

Ảnh: PNJ

PNJ luôn hướng đến là một gia đình có văn hóa, điều này không có nghĩa là doanh nghiệp gia đình mà là nơi mọi người xem nhau như một gia đình, cùng học hỏi, cùng phát triển và người lao động đến đây sẽ cảm nhận như đang làm việc trong ngôi nhà của mình.

Văn hóa doanh nghiệp phản ánh “cái chất” của người lãnh đạo

Bà Cao Thị Ngọc Dung: Khi xây dựng một doanh nghiệp thì quan điểm của những người sáng lập rất quan trọng. Ví dụ như ở PNJ, thì quan điểm của những người sáng lập doanh nghiệp là xác định và theo đuổi triết lý phát triển bền vững “Đặt lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội vào lợi ích doanh nghiệp”.

Quan điểm của chúng tôi là lãnh đạo thì phải làm gương, phải có sự nhất quán, phải làm những điều tốt thì những người khác mới có thể đi theo. Làm sao để đến những năm sau này, dù những người sáng lập có mất đi thì văn hóa vẫn còn đó. Tuy nhiên, văn hóa luôn luôn có sự biến đổi, phù hợp với từng giai đoạn, từng lứa tuổi, từng môi trường. Văn hóa xuất phát từ người đứng đầu và người lãnh đạo cần biết lắng nghe, biết thay đổi, tiếp thu những cái mới, đào thải những gì không còn phù hợp. Những giá trị cốt lõi vẫn giữ nhưng cần tinh chỉnh phù hợp với thời đại thì doanh nghiệp mới bền vững.

Để phát triển bền vững, cứ sau 5 năm PNJ đều nhấn nút F5 Refresh, xem lại chiến lược của mình còn phù hợp hay không, ngay cả khi mình đang làm tốt.

Để F5 được như vậy, PNJ phải học hỏi liên tục, ngay cả HĐQT và tất cả các thành viên cũng cần học để tái tạo những cái mới trong tổ chức mình. Từ đó, “cấy” những gen mới vào văn hóa doanh nghiệp và làm rõ hơn giá trị tiên phong tạo khác biệt của PNJ. Lúc đó từng thành viên khi làm việc đều hướng đến khách hàng, luôn nghĩ cách đưa ra những sản phẩm tinh tế nhất, sáng tạo nhất để phục vụ khách hàng.

Qua những chia sẻ trên đây của bà Cao Thị Ngọc Dung có thể thấy, PNJ đang nỗ lực từng ngày để duy trì và phát triển một cách sáng tạo, linh hoạt các hành động cụ thể trong chiến lược Phát triển bền vững dài hạn trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp không ngừng được tái tạo, là một trong những ngọn cờ đầu trong công cuộc hình thành đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh tại Việt Nam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.