Thừa nhận tham gia nông nghiệp là biết chắc phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, song, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long, vẫn tin rằng để VN phát triển hùng mạnh, vươn tầm thế giới thì nông nghiệp vẫn phải là cốt lõi.
Hồi quý 1, ông dự báo giá heo hơi đã tới đáy và sẽ "vùng" lên từ tháng 5. Đến nay đã hết quý 3 nhưng giá heo vẫn không thoát khỏi đà rơi. Có vẻ như thị trường đang khó ngoài dự báo của ông?
Ông Trương Sỹ Bá: Đúng là thị trường đang khó kinh khủng. Nói đúng hơn là khốc liệt về mọi mặt, cả quốc tế lẫn trong nước. Chiến sự Nga - Ukraine kéo dài, kinh tế toàn cầu suy thoái, ngấm đòn Covid-19, Fed thì liên tục tăng lãi suất… Cộng thêm ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, giá heo hơi rớt thảm hại 3 quý liên tiếp, từ quý 3/2022 đến hết 6 tháng đầu năm nay mới quay lại được một chút. Trong khi chu kỳ tăng/giảm của thị trường thông thường chỉ khoảng 4 tháng, lâu nhất thì cũng chỉ tới 6 tháng là cùng. Khó khăn kéo quá dài đã loại bỏ hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Những doanh nghiệp (DN) chăn nuôi công nghiệp như BaF đã đầu tư rất lớn nên bắt buộc phải gồng gánh vì nếu bỏ sẽ còn mất nhiều hơn.
Thế nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm, BaF vẫn có lời. Điều gì khiến BaF "lội ngược dòng" trong bối cảnh khó khăn của ngành chăn nuôi nói riêng và bức tranh khó chung của cộng đồng DN?
Có 3 lý do, thứ nhất chúng tôi chủ động được nguồn nguyên liệu tốt hơn nên giá thức ăn chăn nuôi rẻ hơn, chi phí đầu vào nhờ đó giảm hơn. Thứ hai, chúng tôi quản trị về an toàn sinh học rất tốt nên tổng đàn heo gần như không bị ảnh hưởng về dịch bệnh. Đây là yếu tố quan trọng giúp giảm rất nhiều thiệt hại. Ngoài ra, tuy mảng chăn nuôi khó khăn nhưng bù lại, từ đầu năm đến nay ngành gạo rất tốt. Nhờ vậy, nhìn chung hoạt động của cả tập đoàn vẫn duy trì ổn định.
Nhân ông nói đến gạo, năm nay đúng là thời hoàng kim của lúa gạo VN khi trên thế giới, hạn hán hoành hành khắp mọi nơi. Tuy nhiên, đã không ít thời gian xu hướng giảm tinh bột khiến ngành này bị xem nhẹ. Những lúc như vậy, ông có dao động không?
Không phải cho đến bây giờ mà từ trước đến nay tôi luôn khẳng định nông nghiệp là thế mạnh lớn nhất của VN, đặc biệt là gạo. Chúng ta có cả một vùng ĐBSCL rộng lớn mênh mông, phù sa màu mỡ, một năm có thể làm tới 3 vụ nên nguồn cung dồi dào, có nhiều điều kiện thuận lợi về sản xuất. Tất nhiên không thể phủ nhận VN đang được hưởng lợi khi thế giới xuất hiện những biến động, đứt gãy chuỗi cung ứng. Không chỉ gạo mà nông sản, rau củ quả của chúng ta xuất khẩu cũng rất tốt. Tôi cho rằng VN đang đi đúng theo thế mạnh của mình. Đất nước nông nghiệp sở hữu điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất vô cùng thuận lợi thì dù thế nào, nông nghiệp vẫn là lõi phát triển. Quan trọng là chúng ta phải biết biết nắm bắt cơ hội để đẩy quá trình phát triển nhanh hơn.
Chúng ta nói rất nhiều về "nắm bắt cơ hội" nhưng cơ hội ở mỗi giai đoạn khác nhau cũng khác nhau. Cụ thể lúc này, cơ hội là gì thưa ông?
VN đang hội nhập rất sâu. Muốn tận dụng tốt cơ hội đó thì các DN cũng như ngành nông nghiệp VN phải có sự thay đổi cho phù hợp với quốc tế. Đó là nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất được nguồn gốc, sản xuất sạch, xanh, thân thiện với môi trường, giảm phát thải nhà kính… Trong thời gian tới, tất cả các chứng chỉ liên quan đến carbon, khí thải… đều được các nhà nhập khẩu quốc tế áp vào. Chúng ta không có thì không xuất khẩu được, không bán được hàng. Đây là điều kiện bắt buộc, với sản phẩm nông nghiệp lại càng cần thiết hơn. Vì thế, nếu không thay đổi thì những cơ hội sẽ không còn giá trị.
Với Tân Long, chúng tôi xác định phải theo chuẩn quốc tế ngay từ khi làm việc với bà con nông dân ở từng công đoạn cụ thể, chi tiết nhất. Ví dụ, trong quá trình trồng lúa, phân bón phải sử dụng phân hữu cơ; thuốc bảo vệ thực vật phải dùng đúng, dùng đủ, vô hại với môi trường; rơm rạ sau thu hoạch không được đốt mà phải gom lại làm chế phẩm; chăn nuôi phải tiến tới kinh tế tuần hoàn. Phân heo trước đây đem cho hoặc bán rẻ thì giờ chúng tôi đầu tư công nghệ ủ phân hữu cơ để đưa xuống cánh đồng của Tân Long. Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là con đường bắt buộc phải đi. Đó chính là thách thức nhưng cũng là cơ hội của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Có một điều tôi vẫn thắc mắc, ông luôn khẳng định nông nghiệp là thế mạnh của VN nhưng cũng chính ông thừa nhận dấn thân vào nông nghiệp là xác định đối mặt với khó khăn. Thực tế nhiều DN đang "ngon lành" cũng đổ nợ vì đầu tư vào nông nghiệp. Điều gì khiến chúng ta chưa thể biến lợi thế thành lợi nhuận, để tạo ra những DN nông nghiệp hùng mạnh và cuộc sống giàu có cho người nông dân?
Nông nghiệp không có lợi nhuận đột biến và chỉ thật sự mang lại hiệu quả khi sản xuất theo chuỗi giá trị. Vì thế, nếu làm nông nghiệp mà chỉ làm phần ngọn, chỉ mua gạo rồi xuất khẩu thì không thể mong những thành quả như bạn vừa nói. Quá trình để hình thành ra được hạt gạo gồm nhiều khâu từ trồng lúa, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, xay xát và xuất khẩu… Cả chuỗi giá trị đó phải được liên kết mạnh mẽ, trong đó DN phải là đầu tàu, tiên phong, định hướng. Mà để làm được như vậy đòi hỏi DN phải có tiềm lực tài chính lớn.
Đặt trong các yêu cầu đó, chúng ta còn thiếu rất nhiều. Chúng ta có cả vùng đồng bằng rộng lớn nhưng sản xuất manh mún, chưa liên kết các vùng sản xuất nhỏ lẻ trở thành cánh đồng mẫu lớn, vì thế chưa thể áp dụng cơ giới hóa nên không thể công nghiệp hóa ngành nông nghiệp được.
Mặt khác, lãi suất tín dụng cho nông nghiệp hiện nay cao, vay đầu tư trung - dài hạn còn cao hơn ngắn hạn. Cũng đồng tiền đó, nếu đem phát hành trái phiếu hoặc đầu tư vào ngành bất động sản, lướt sóng sẽ thu lời nhanh hơn nhiều hơn. Chưa kể, làm nông nghiệp thì phải làm việc với người nông dân, nghĩa là phải chấp nhận chịu thiệt một chút, giảm lời xuống, thậm chí ôm lỗ để chia sẻ lợi ích cùng bà con. Đó là lý do nông nghiệp chưa thu hút được nhiều DN lớn cũng như không ít DN tham gia theo kiểu mua nông sản để xuất khẩu chứ không đầu tư theo chuỗi giá trị.
Thật ra quay trở lại 50 - 70 năm trước, người nông dân Mỹ cũng như người nông dân VN thôi. Họ cũng phải mất quá trình rất dài chuyển đổi để có được như ngày hôm nay. Chúng ta đang đi những bước đi đầu tiên trên quá trình chuyển đổi nên phải xác định đây là giai đoạn quá độ. Mà quá độ thì chắc chắn là vất vả, khó khăn. Nhưng nếu DN không tiên phong, không chấp nhận khó thì ai làm? Thực tiễn đòi hỏi các DN phải dấn thân.
Nghĩa là ông đã chủ động chọn cái khó...?
Ngay từ đầu, Tân Long đã luôn xác định nông nghiệp sẽ là cốt lõi của tập đoàn và chúng tôi làm nông nghiệp đa ngành để ngành này kéo ngành kia và sẽ có những bước đi thay đổi nhằm phù hợp dần với thị trường.
Ví dụ 10 năm trước, đa phần các DN gạo chỉ nhắm đến xuất khẩu nên cạnh tranh rất khốc liệt. Một đơn hàng nước ngoài mà 5 - 7 đơn vị tranh nhau bán nên không có lợi thế gì khác ngoài giá. Chưa kể, thị trường quốc tế đâu phải chỉ mình VN bán gạo. Còn Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Myanmar… là những nước sản xuất gạo rất mạnh. Cạnh tranh ngoài, cạnh tranh trong… tạo ra một "biển đỏ", tất cả đều hạ giá để bán đến không còn margin.
Trong bối cảnh đó, Tân Long đã chuyển hướng đi bằng 2 chân. Thay vì chỉ xuất khẩu, chúng tôi thêm thị trường nội địa ở phân khúc hàng cao cấp, có thương hiệu. Mình có lợi thế là năng lực thị trường, kinh nghiệm marketing, tiềm lực tài chính… nên dần định vị là nhà sản xuất, không phải chỉ là thương mại, là "con buôn" nữa. Và cũng chỉ trở thành nhà sản xuất, chúng tôi mới có thể kiểm soát chặt chẽ chất lượng từng hạt gạo từ khi gieo trồng tới lúc đóng gói, đưa ra thị trường. Từ đó mới thực hiện được sứ mệnh để người dân VN được ăn gạo sạch, gạo ngon song song với xây dựng và đưa thương hiệu gạo Việt ra thế giới.
Tôi luôn tin rằng đến một thời điểm nào đó, nông nghiệp VN sẽ đi tới được mốc như thế giới.
Gạo thì mang sứ mệnh vươn ra thế giới, còn "heo ăn chay" có sứ mệnh gì không, thưa ông?
Mọi người nhìn giá heo rớt thảm thì lo lắng lắm nhưng thực ra, tôi nhìn thấy câu chuyện chăn nuôi thậm chí còn sáng hơn ngành gạo.
Hiện ngành chăn nuôi phân bổ thành 2 phân khúc: Hộ chăn nuôi nông dân nhỏ lẻ đang chiếm khoảng 40 - 45% tổng đàn của VN, còn chăn nuôi công nghiệp chiếm trên 50%. Tỷ lệ này đã đảo chiều bởi khoảng 10 năm trước thì chăn nuôi nông nghiệp chiếm khoảng trên 70%, chăn nuôi công nghiệp chỉ khoảng 30%. Đây là xu hướng tất yếu bởi về yếu tố môi trường thì các công ty nhỏ lẻ xử lý chưa tốt. Chưa kể DN nhỏ lẻ thì đương nhiên cái gì cũng phụ thuộc, từ giống, thức ăn phải đi mua, bán heo bị thương lái ép giá, chống chọi với dịch… trăm thứ vất vả, khó khăn đổ lên đầu người chăn nuôi. Tôi dự báo trong 10 năm tới, chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ chỉ còn chiếm khoảng 20% - 25%. Trong đó, một số trang trại đủ tiêu chuẩn thì các công ty chăn nuôi công nghiệp sẽ thuê lại hoặc gia công. Bà con xác định an toàn là gia công cho các công ty lớn chứ không tự làm vì quá nhiều rủi ro.
Quan trọng hơn, trước đây thì tỷ lệ chăn nuôi công nghiệp tăng đến đâu, các DN ngoại tiềm lực mạnh vào "chiếm" hết. Vì thế, sứ mệnh của chúng tôi khi đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng vào hệ thống gần 30 trang trại xanh của BaF là trở thành công ty chăn nuôi lớn ở VN, đủ sức đối trọng với các DN nước ngoài.
Ông có quá tự tin không khi đối thủ của Tân Long đều là những "ông lớn" trong ngành chăn nuôi thế giới?
Không tự tin thì không thể làm được. Sau câu chuyện dịch tả châu Phi năm 2019, nhìn thấy bức tranh tổng thể của ngành chăn nuôi trong tương lai 10 năm nữa, chúng tôi xác định đây chính là cơ hội cực tốt cho những ai đầu tư chăn nuôi bài bản, chủ động nguồn giống, nguồn thức ăn, trang trại hiện đại... Vì thế, từ đầu 2020, BaF quyết tâm đầu tư thật mạnh và xác định chăn nuôi sẽ trở thành ngành cốt lõi trong tương lai của tập đoàn.
Thử tính nhé, nếu không có dịch, quá trình đẩy phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ từ 75% xuống 20 - 25% có thể phải mất 30 năm nhưng có dịch thì rút ngắn chỉ còn 10 năm. Hiện nay, tổng đàn của VN có hơn 30 triệu con, tốc độ bình quân ngành chăn nuôi khoảng 5%/năm. 10 năm nữa, chúng ta có thêm 50% là 15 triệu con, nâng tổng đàn lên 45 - 50 triệu con heo vào 2033. Chăn nuôi nhỏ lẻ mất 50% là mất đi 25 triệu con cho chăn nuôi công nghiệp lấn vào. Tân Long chỉ lấy 6 triệu trong 25 triệu đó, có gì khó khăn đâu.
Còn lợi thế lớn nhất hiện nay của BaF là đã hình thành được mô hình chuỗi 3F 100% khép kín Feed - Farm – Food, tức "từ trang trại đến bàn ăn". Với mô hình này, công ty kiểm soát toàn diện chuỗi giá trị từ giống, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chỉ cung cấp cho đàn heo nội bộ, công nghệ chuồng trại đến các khâu xử lý và phân phối heo thành phẩm ra thị trường. Điều này giúp sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Mà cạnh tranh, suy cho cùng cũng phải bắt nguồn từ chất lượng. Trong tương lai chúng tôi sẽ tiến tới xây dựng hệ thống giết mổ, sản xuất sâu để thật sự khép kín chuỗi./.
Bình luận (0)