|
Buổi tiếp xúc có đến 16 cử tri đăng ký trực tiếp phát biểu, 6 cử tri gửi văn bản thẳng thắn bày tỏ ý kiến liên quan đến các bất cập, tồn tại trong công tác phòng chống tham nhũng, y tế, giáo dục, chính sách trọng dụng nhân tài, thực phẩm không an toàn; đầu tư công tràn lan, hiệu quả thấp, lãng phí nghiêm trọng...
Nhiều cử tri bày tỏ sự tâm đắc với kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư về những dấu hiệu sai phạm của nguyên Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền; quan điểm chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước trong việc thu hồi tài sản... Tuy nhiên, xung quanh vấn đề phòng chống tham nhũng, cử tri nêu nhiều ý kiến.
|
Cử tri Vũ Hoàng Ninh đặt vấn đề: “Theo báo cáo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công tác phòng chống tham nhũng mặc dù có nhiều quyết tâm nhưng việc thu hồi tài sản tham nhũng chỉ mới đạt 22,3%, còn theo Bộ Tư pháp thì từ 1.10.2010 đến 30.4.2013 chỉ thu hồi đạt 29,4% tổng giá trị tham nhũng. Lý do vì sao mà việc thu hồi lại khó thế? Do pháp luật của chúng ta chưa đủ mạnh hay là vì một lý do nào khác mà chúng ta chưa kiên quyết thu hồi?”. Ông Ninh đề nghị: “Không chỉ tiến hành thu hồi tài sản của tội phạm tham nhũng mà còn phải phạt tiền bằng 1/2 hoặc bằng số tiền tội phạm tham nhũng gây ra. Nếu người tham nhũng không có khả năng đóng phạt thì chuyển qua tăng mức án hình sự cho đến mức tù chung thân hoặc tử hình”.
Lòng dân không yên, trong Đảng cũng không hài lòng
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Chống tham nhũng, quy định pháp luật đã có đầy đủ hết. Thực tế mình làm nhiều việc, cả T.Ư lẫn địa phương nhưng bằng đó việc cộng lại thì thấy rõ ràng chưa đủ, đã khiến lòng dân không yên, trong Đảng cũng không hài lòng”. “Những chuyện liên quan đến cán bộ cấp cao thì tôi tin tuần tự sẽ giải quyết và sẽ có thông báo. Cô bác anh chị hãy yên lòng. Không có bao che gì đâu”, Chủ tịch nước khẳng định.
Chủ tịch nước nói thêm: “Thu hồi triệt để tài sản thì ai cũng muốn. Kết quả làm thì đã công khai với bà con hết rồi. Các cơ quan thực hành chuyện này (chuyện thu hồi tài sản tham nhũng - PV) đã thừa nhận khuyết điểm và đang phải tiếp tục làm kiên quyết”.
Cử tri Nguyễn Vinh Ngọc phát biểu: “Cán bộ chức vụ trách nhiệm càng cao thì tài sản càng nhiều và càng có chất lượng. Như vậy tài sản này ở đâu mà có? Thu nhập chính đáng hiện nay liệu có sắm được những dinh thự nguy nga, đồ sộ? Đặc quyền đặc lợi và các mối quan hệ quyền lực hiện nay là hình ảnh của con chuột tham nhũng và là một trong những nguyên nhân gây vỡ bình chứ không phải chúng ta diệt chuột mới làm vỡ bình. Chính mảng tối này tạo ra sự trì trệ của đất nước, tạo ra rào cản đối với những người tài, tạo ra tiêu cực phát sinh trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội”. “Quốc hội phải có những động thái quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn chảy máu tài sản công vụ”, ông Ngọc đề nghị.
Chủ tịch nước chia sẻ: “Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe những ý kiến hết sức cay đắng của quý cô bác cử tri. Cuối cùng là để làm sao ngăn chặn được, chặn đứng được, đẩy lùi được tham nhũng. Tình hình tham nhũng thế này thì kinh tế thiệt hại. Lòng dân mất đi, vậy còn gì nữa? Đây là chuyện không ổn. Ai cũng ray rứt cả nhưng có lẽ chúng ta không thể chỉ cứ ngồi chơi mãi. Phải tính toán thôi. Phải chiến đấu thôi”. “Chúng tôi theo dõi mới biết là tham nhũng ngày càng tinh vi. Tham nhũng không phải đứng một người riêng lẻ mà nó dây mơ rễ má, hình thành những nhóm nữa, xâu chuỗi bao che, bảo vệ nhau”, Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, phòng chống tham nhũng “là một vấn đề khó nhưng Đảng, Nhà nước và người dân quan tâm thực sự, kiên trì, bền bỉ và làm ngày càng quyết liệt thì chắc chắn tình hình sẽ đỡ hơn”. Ông cho rằng cần phải đề phòng một tình huống là những người chống tham nhũng hăng hái quá rồi lại bị tấn công ngược. “Chống tham nhũng là phải làm. Những người tham nhũng sẽ phải bị trừng trị. Nhưng những người lo việc nước việc non này, do những sự va chạm gì đó mà bị tấn công thì ta phải bảo vệ họ, chứ không thì lộn xộn lắm”, Chủ tịch nước khẳng định.
Bảo vệ chủ quyền mạnh mẽ hơn Tại buổi tiếp xúc, cử tri Ngô Thị Còn nêu ý kiến: “Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN khi tự ý mở rộng cảnh quan, xây dựng đường băng dài 2.000 m cùng các trang thiết bị hỗ trợ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Chúng ta phải hành động ra sao trước vấn đề này?”. Trả lời ý kiến này, Chủ tịch nước cho rằng T.Ư đã làm rất nhiều việc liên quan đến nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, vì đây là vấn đề thiêng liêng, bất khả xâm phạm. “Ý chí của Đảng, của Nhà nước và của nhân dân đã thể hiện rất rõ rồi. Kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình... Nhưng hành xử phải mạnh mẽ hơn, khâu nào hành xử chưa tốt thì phải bổ khuyết để tương xứng với tình hình”, Chủ tịch nước nói. |
Đình Phú
>> Cần khuyến khích và bảo vệ người chống tham nhũng
>> Vụ người chống tham nhũng bị chém: Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo điều tra
>> Một người chống tham nhũng bị chém
>> Tuyên dương người chống tham nhũng
>> Biểu dương người chống tham nhũng
Bình luận (0)