Sáng nay (6.9), Thành Đoàn TP.HCM tổ chức chương trình Gặp gỡ và biểu dương các thế hệ chiến sĩ tình nguyện, gia đình nuôi tiêu biểu nhân kỷ niệm 30 năm các chương trình, chiến dịch Tình nguyện hè của thanh niên thành phố. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành Ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn chủ trì chương trình gặp mặt.
Sự trưởng thành trong nhân cách là kết quả lớn nhất
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết tham dự chương trình hôm nay với 2 tư cách, ngoài tư cách của công việc hiện nay, thì tư cách đáng nói nhất là một người trong cuộc, vừa là tác giả, đồng tác giả của những hoạt động thanh niên tình nguyện trong một giai đoạn dài.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bày tỏ sự vui mừng và cảm động khi được gặp lại các thế hệ thanh niên tình nguyện TP.HCM, gia đình nuôi quân tiêu biểu, lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh thành, Bí thư Thành đoàn TP.HCM các thời kỳ…
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng TP.HCM là thành phố anh hùng, có truyền thống cách mạng kiên cường, năng động, sáng tạo, nơi khởi nguồn và hình thành đường lối đổi mới của đất nước và cũng là nơi khởi đi nhiều phong trào quần chúng có ý nghĩa, hiệu quả, thiết thực trong thời kỳ đổi mới. Sự năng động ấy, những phong trào ấy đã thể hiện sinh động phẩm chất hào hiệp, nghĩa tình của người dân thành phố. Trong bức tranh năng động, sáng tạo, nghĩa tình đó thì phong trào thanh niên tình nguyện của TP.HCM nổi lên như một gam màu đầy sức sống, thật sự là một chương trình hành động cách mạng có sức hút mạnh mẽ và giá trị sâu sắc đối với thanh niên thành phố; khẳng định tư tưởng chỉ đạo rất đúng của Đảng và lãnh đạo thành phố là phải đưa thanh niên đắm mình vào trong thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, thì thanh niên sẽ hiểu thêm về đất nước mình, yêu thêm về sự nghiệp của Nhân dân, dân tộc, và thanh niên sẽ có hành động đúng đắn đối với sự nghiệp mà Đảng và dân tộc đang thực hiện.
"Tôi cho rằng đây là một phương thức giáo dục hiệu quả nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Phải khẳng định rằng, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có nhiều phương thức giáo dục, nhưng với những kinh nghiệm và trải nghiệm của mình, tôi thấy giáo dục thông qua hành động cách mạng trong thực tiễn là một phương thức giáo dục hiệu quả nhất", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng chỉ ra: "Khi nhắc đến phong trào thanh niên tình nguyện và trong tổng kết của các chương trình, chiến dịch tình nguyện chúng ta hay nói nhiều về các con số: bao nhiêu người được xóa mù chữ, bao nhiêu cây cầu được xây, bao nhiêu ngôi trường được sửa chữa khang trang… nhưng tôi nghĩ vượt lên trên tất cả con số là sự trưởng thành trong cách nghĩ, nếp sống, cảm nhận về thực tiễn của công cuộc đổi mới đất nước; sự chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, xác định thái độ trách nhiệm và hành xử đúng đắn của mỗi người trong cuộc về cuộc sống của mình. Sự trưởng thành trong mỗi nhân cách mới là điều quan trọng và là thu hoạch lớn nhất của mỗi chiến dịch thanh niên tình nguyện".
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, mỗi thanh niên tình nguyện tự hào khi được các già làng, trưởng bản ở Đắk Lắk, Gia Lai, hay ở miền Tây… gọi bằng tên gọi rất thân thương: sinh viên, thanh niên Bác Hồ.
"Ngày xưa chỉ nghe bộ đội Cụ Hồ, bộ đội Bác Hồ, nhưng khi đưa thanh niên đi tình nguyện, thì nhiều già làng mới bảo là đây là sinh viên, thanh niên Bác Hồ, tôi cho rằng đó là sự tự hào rất lớn. Chưa có ở đâu mà những cảm nhận về các câu nói giới trẻ thường hay dùng, như: đi để trưởng thành; ở dân thương, đi dân nhớ, làm dân tin; sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình… được cảm nhận sâu sắc thông qua các chiến dịch tình nguyện. Tôi cho rằng, những điều đó và có thể hơn thế nữa mới là kết quả to lớn mà các phong trào thanh niên tình nguyện đã đạt được", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhìn nhận.
Suy nghĩ, thiết kế phong trào thanh niên giai đoạn mới
Trong phần phát biểu của mình, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã chỉ ra những lý do vì sao phong trào thanh niên tình nguyện có sức sống mạnh mẽ đến như vậy.
"Tôi nghĩ rằng trước hết đó là từ sự trăn trở với thực tiễn ở TP.HCM và đất nước của lớp cán bộ Đoàn. Các đồng chí lãnh đạo thành Đoàn có mặt ở đây cũng như còn nhiều đồng chí vắng mặt đều trăn trở về thực tiễn xây dựng, phát triển của thành phố và đất nước. Luôn luôn nhìn vào nhiệm vụ chung về xây dựng phát triển thành phố mà xác định nhiệm vụ của tổ chức Đoàn, để tự hỏi rằng thanh niên sẽ làm được gì góp phần vào sự nghiệp chung đó. Tôi cho rằng sự trăn trở đó luôn luôn thường trực trong mỗi cán bộ của Thành đoàn TP.HCM", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chỉ ra và cho biết một điều cũng quan trọng không kém đó là sự lắng nghe những tâm tư của thanh niên, tổ chức cơ sở Đoàn; tìm hiểu về thực tiễn học tập, lao động, sinh hoạt và vui chơi, giải trí của thanh niên. Nếu không có sự lắng nghe, nâng đỡ, khuyến khích và phát hiện những ý tưởng của các tổ chức cơ sở Đoàn, thanh niên thì chắc chắn sẽ không có những phong trào tình nguyện rộng lớn như thế.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng Chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè năm 1994 được khởi nguồn từ những chương trình đi xoá mù chữ của sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khi chiến dịch này đạt được hiệu quả khá cao, thì đồng thời cũng thấy được một vài điều còn hạn hẹp, chưa khai thác hết khả năng của thanh niên nên mới có Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh; thấy lực lượng thanh niên, công nhân lao động cũng muốn tham gia hoạt động tình nguyện nhưng không có thời gian như sinh viên nên có thêm Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng; khi thấy thanh niên quân đội, công an cũng có nhu cầu tổ chức các hoạt động giúp dân nhưng phải tổ chức như thế nào để lực lượng này tham gia thì chúng ta lại có Chiến dịch tình nguyện Hành quân xanh; rồi khi thấy các phụ trách Đội, các em thiếu nhi cũng muốn tham gia các hoạt động trên địa bàn nên chúng ta có Chiến dịch tình nguyện Hoa phượng đỏ… Tất cả các chiến dịch đó xuất phát từ sự trăn trở trước nhiệm vụ xây dựng, phát triển thành phố, đất nước, và sự lắng nghe, khuyến khích, nâng đỡ phát triển các ý tưởng của thanh niên…
Điều thứ 2 quyết định đến sức sống mạnh mẽ của phong trào thanh niên tình nguyện TP.HCM theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng là sự tin tưởng, giao việc, động viên kịp thời của lãnh đạo thành phố và các địa phương. Điều thứ 3 là sự đồng hành, hưởng ứng, chăm lo của Nhân dân trên các địa bàn. Trong hơn 30 năm tổ chức các chương trình, chiến dịch thanh niên tình nguyện có những "ba, má phong trào thế hệ mới" đã chăm lo, giúp đỡ, hỗ trợ thanh niên tình nguyện… đó là những điều rất đáng quý.
"Thứ 4 là sự tổ chức sáng tạo, tích cực của một thế hệ cán bộ Đoàn, tôi tạm gọi là thế hệ cán bộ Đoàn của thời kỳ đổi mới. Cán bộ Đoàn phải tự tìm ý tưởng, khi có ý tưởng rồi thì suy nghĩ để tổ chức lực lượng, sau đó tìm nguồn lực, kinh phí... Việc cũng không có sẵn, kinh phí và lực lượng cũng không có sẵn, cán bộ Đoàn phải tự suy nghĩ những vấn đề đó để tổ chức. Nếu không có tinh thần dấn thân thì không thể vượt qua. Đây là phẩm chất, đặc tính rất quý của cán bộ Đoàn, với một tinh thần sáng tạo, dám dấn thân, tìm ra ý tưởng, tổ chức lực lượng, tìm kiếm nguồn lực và kiên trì đeo đuổi cho đến kết quả cuối cùng", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhìn nhận.
Gửi gắm đến tổ chức Đoàn và thanh niên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho rằng đối với TP.HCM, xây dựng và phát triển thành phố trong giai đoạn hiện nay đặt ra nhiều yêu cầu mới. Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết về phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam… đặt ra cho thành phố rất nhiều yêu cầu và nhiệm vụ mới, trong đó thể hiện khát vọng rất lớn của thành phố, nhưng đồng thời cũng thể hiện kỳ vọng lớn lao của cả nước đối với TP.HCM. Vậy thì trong yêu cầu phát triển ấy, thanh niên thành phố sẽ lựa chọn đóng góp như thế nào và bằng cách nào? Đây là câu hỏi rất quan trọng.
"Tôi nghĩ dù như thế nào vẫn cần một tinh thần dấn thân, tình nguyện của người trẻ. Tinh thần ấy luôn tươi mới trong mỗi con người, được tăng thêm sức mạnh từ sự hun đúc bởi nhiều thế hệ và sự quan tâm, dìu dắt của lãnh đạo, Nhân dân thành phố. Tôi mong Thành đoàn TP.HCM sẽ phát huy kết quả của 30 năm các chương trình, chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè để góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của thành phố trong tương lai", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi gắm.
Theo Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, năm 1994, phong trào thanh niên tình nguyện khởi đi từ Chiến dịch Ánh sáng văn hoá hè, lực lượng sinh viên đóng vai trò rất quan trọng, lôi cuốn các lực lượng khác cùng tham gia. Vậy thì trong giai đoạn hiện nay ai sẽ là chủ công, nói là thanh niên nhưng thanh niên nào sẽ là chủ lực để cuốn hút và lôi kéo các thanh niên khác cùng tham gia?
"Thành phố đang vướng cái gì, đang khó cái gì? Có phải ở đâu đó người dân vẫn còn chưa hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính, vẫn chưa an tâm về hồ sơ của mình được giải quyết công bằng, công khai, đúng hạn; vẫn chưa thỏa mãn các bước phát triển của thành phố… Vậy thì chúng ta tìm kiếm trong đó giải pháp gì để hiến kế cho lãnh đạo thành phố trong tổ chức thực hiện. Hay trong Nghị quyết của thành phố xác định xây dựng TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, chất lượng cao; thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại; đầu tàu về kinh tế số, xã hội số… các mục tiêu đó thanh niên thành phố chọn cái gì để làm. Cũng là tình nguyện, nhưng tình nguyện bây giờ khác hơn, nhanh hơn, mới mẻ hơn và chúng ta cần phải suy nghĩ", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắn gửi.
Bình luận (0)