Chủ tịch Quốc hội: 'Giải trình xong tất cả lại về thì chả có ích gì'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
17/11/2023 15:31 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh giám sát của Quốc hội không thể "3 sôi 2 lạnh", chung chung, vui vẻ xong tất cả lại về; các phiên giải trình tại các cơ quan Quốc hội nếu không có kết luận, kiến nghị cụ thể thì "người ta coi thường, chả có ích gì".

Sáng 17.11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024. Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hoạt động giám sát 2023 có nhiều điểm sáng. 

Trong giám sát chuyên đề, thay vì chọn những vấn đề mang tính chất "hậu kiểm" thì từ đầu nhiệm kỳ XV tới nay đã lựa chọn những vấn đề đang trong quá trình thực hiện, như công tác quy hoạch hay 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội: 'Giải trình xong tất cả lại về thì người ta coi thường' - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị

GIA HÂN

"Ban đầu có ý kiến cho rằng mới làm vài năm thì giám sát làm gì. Nhưng với quy hoạch, nhờ giám sát mà Quốc hội ban hành được nghị quyết tháo gỡ các vướng mắc, tồn đọng, xử lý khoảng trống pháp lý. Không có giám sát thì không biết giờ công tác quy hoạch thế nào và đến đâu", Chủ tịch Quốc hội nói.

Bên cạnh đó, "giám sát lại", tức giám sát vấn đề sau giám sát được quan tâm hơn, với mục đích đi đến cùng. "Đã làm và sẽ làm tiếp. Không phải ban hành nghị quyết là xong. Giám sát phải có hiệu lực. Tốt phải được biểu dương, nhưng sai phạm phải xem xét xử lý; vấn đề có khuyết điểm thì phải kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Không thể nói chung chung được", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nể nang, né tránh vẫn còn

Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn nêu rõ nhiều hạn chế trong công tác giám sát của Quốc hội. Theo đó, cần làm tốt hơn mối quan hệ giữa "diện" và "điểm" trong công tác giám sát, tức là giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các đoàn giám sát chuyên đề đôi khi không chú ý tới mục tiêu, quá sa vào các vụ việc dẫn đến "bơi trong rừng số liệu", không thoát ra được.

Cạnh đó, kết quả kiến tạo phát triển trong hoạt động giám sát khá rõ khi nêu nhiều kiến nghị sửa đổi luật, ban hành nghị quyết tháo gỡ các khó khăn nhưng xác định trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm tổ chức, cá nhân lại chưa rõ. Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là "nghịch lý" khi đáng ra đây phải là "phần nổi hơn" của giám sát.

"Có những báo cáo phần này chỉ vài ba dòng thôi. Tính phản biện, tính chiến đấu như thế nào? Báo cáo không khéo cũng 3 sôi 2 lạnh, nêu một số cái được, một số cái chưa được chung chung thế thôi, rồi vui vẻ xong rồi tất cả lại về", Chủ tịch Quốc hội nêu.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, điều này cũng cho thấy tình trạng nể nang, né tránh trong hoạt động giám sát chuyên đề vẫn còn. "Xuống đơn vị phát biểu hùng hồn lắm, rất đâu vào đấy, nhưng về đến nơi lại chẳng thấy gì nữa. Không biết đi đâu hết. Cái này không phổ biến nhưng không phải là ít", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội: 'Giải trình xong tất cả lại về thì người ta coi thường' - Ảnh 2.

Hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

GIA HÂN

Theo Chủ tịch Quốc hội, đoàn giám sát có kiến nghị gì cũng chỉ để cho tốt hơn, chứ không phải "nặng nhẹ gì chuyện này". "Nếu không nói trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan thì mọi việc sau đó vẫn thế. Làm không ra gì cũng chẳng sao thì tự nhiên mất động lực. Do đó, việc xác định rõ trách nhiệm, kiến nghị cụ thể cũng là kiến tạo phát triển", Chủ tịch Quốc hội nói.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, dù đã có nhiều đổi mới, có kết quả song hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội vẫn chưa đạt yêu cầu, cần linh hoạt, nhạy bén, sát thực hơn.

Chủ tịch Quốc hội dẫn ví dụ, có những cuộc giải trình mà từ chủ trương, chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tới khi xây dựng xong đề cương giám sát thì mất đến vài ba tháng, chuẩn bị tổ chức rình rang, y như một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội.

"Khi xây dựng xong đề cương thì vấn đề đã giải quyết xong mất rồi", Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng như vậy là không kịp thời, chưa bám sát vấn đề nổi lên, đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong lĩnh vực theo dõi phụ trách.

Sai phạm phải được xử lý

Về chương trình giám sát năm 2024, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, năm tới là năm chuẩn bị cho đại hội các cấp, tổ chức sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện. Do đó công tác phối hợp trong giám sát phải hết sức cân nhắc để vừa đạt được yêu cầu mục tiêu giám sát, vừa đỡ ảnh hưởng đến địa phương, cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội: 'Giải trình xong tất cả lại về thì người ta coi thường' - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm có nghị quyết hướng dẫn hoạt động giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các cơ quan Quốc hội

GIA HÂN

Ngoài các hoạt động giám sát chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cao độ cho dự án luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm ban hành nghị quyết hướng dẫn hoạt động giải trình của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan Quốc hội.

"Giám sát xong có kết luận không, giải trình xong có kết luận không? Nếu giải trình xong tất cả lại về, chả có kết luận, kiến nghị gì thì người ta coi thường, chả có ích gì. Bây giờ phải hướng dẫn cái này", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, bổ sung các nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát có tác động quan trọng, không chỉ liên quan đến chất lượng của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước mà còn liên quan đến toàn bộ hoạt động của Nhà nước.

Hoạt động giám sát của Quốc hội không chỉ nhằm mục đích bảo đảm cho pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh và thống nhất mà còn đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước góp phần đưa pháp luật vào cuộc.

"Hoạt động giám sát không chỉ đạt mục đích phát hiện ra vấn đề, đưa ra các kiến nghị mà còn đòi hỏi đối tượng chịu sự giám sát thực thi các kiến nghị đó một cách nghiêm túc. Những sai phạm phải được xử lý. Những chính sách chưa hoàn thiện phải được sửa đổi, bổ sung kịp thời để đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng, đây là lý do giám sát của Quốc hội nói chung được xác định là một trong các khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực hoạt động của Quốc hội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.