Chủ tịch Quốc hội: Quốc hội bầu Chủ tịch nước và một số nội dung nhân sự

Lê Hiệp
Lê Hiệp
21/10/2024 10:02 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước và một số nội dung công tác nhân sự.

Sáng 21.10, Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp thứ 8. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội: Quốc hội bầu Chủ tịch nước và một số nội dung nhân sự- Ảnh 1.

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

ẢNH: GIA HÂN

Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều vấn đề để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đảm bảo đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội thông tin, kỳ họp 8, Quốc hội sẽ làm việc trong 29,5 ngày, từ ngày 21.10 đến ngày 30.11; chia làm 2 đợt: đợt 1 từ ngày 21.10 đến ngày 13.11, đợt 2 từ ngày 20.11 đến sáng ngày 30.11.

Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét 31 dự án luật. Trong đó, thông qua 15 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 13 dự án luật khác.

Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, nhân dân rất quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định. Cùng đó, không cầu toàn, không nóng vội; không quy định cứng nhắc.

Chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực, tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, thực chất, đảm bảo đủ khả năng cho cá nhân, cơ quan được phân cấp, phân quyền có thể tổ chức thực hiện được công việc; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; kiểm soát quyền lực, không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong các luật, nghị quyết.

Đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch Quốc hội: Quốc hội bầu Chủ tịch nước và một số nội dung nhân sự- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc kỳ họp

ẢNH: GIA HÂN

Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội quan tâm thảo luận, góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quá trình công tác Chủ tịch nước Lương Cường

Về công tác nhân sự, Chủ tịch Quốc hội cho hay, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước và một số nội dung công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

"Khối lượng công việc của kỳ họp thứ 8 là rất lớn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy dân chủ, nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận sôi nổi trên tinh thần xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.