Chủ tịch UBND không chịu đối thoại, tham gia tòa hành chính ‘ngày càng tăng’

Chủ tịch UBND không chịu đối thoại, tham gia tòa hành chính ‘ngày càng tăng’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/10/2020 13:28 GMT+7

Tỷ lệ chủ tịch UBND các cấp không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa hành chính “còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm”.

Báo cáo mới nhất gửi tới Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký về việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính và thi hành án hành chính vẫn phải nhắc lại hạn chế đã được nêu từ cách đây 2 năm, sau đợt giám sát của Quốc hội vào năm 2018.

Có những chủ tịch UBND chưa tham gia bất kỳ phiên tòa hành chính nào

Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về việc yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các UBND, chủ tịch UBND thực hiện quy định cử người đại diện tham gia tố tụng tại các phiên tòa hành chính, báo cáo của Bộ Tư pháp cho hay, Thủ tướng đã có chỉ đạo trực tiếp tại Hội nghị về công tác giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài được tổ chức ngày 19.5.2018.
Theo đó, Thủ tướng cũng yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan hành chính, công chức khi có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khởi kiện phải thực hiện nghiêm túc luật Tố tụng hành chính, tham gia phiên tòa, tranh tụng, đối thoại, thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật theo đúng quy định.
Sau đó, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có nhiều văn bản chỉ đạo; Bộ Tư pháp ban hành công văn; nhiều địa phương cũng có chỉ thị, công văn chỉ đạo; Bộ tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến với 19 địa phương và thành lập đoàn kiểm tra tại Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu...
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp thì “tỷ lệ chủ tịch UBND và người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa còn cao và có xu hướng ngày càng tăng qua các năm”.
Bộ Tư pháp cho biết, có những địa phương sau khi luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành (từ 1.7.2016, tới nay là 4 năm - PV), Chủ tịch UBND làm văn bản ủy quyền thường xuyên cho phó chủ tịch tham gia tố tụng, sau đó phó chủ tịch cũng chưa tham gia bất kỳ phiên đối thoại hoặc phiên tòa nào.
Cũng có những địa phương, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, chủ tịch UBND hoặc phó chủ tịch UBND được ủy quyền có văn bản gửi tòa án đề nghị được vắng mặt trong tất cả các hoạt động tố tụng mà tòa án triệu tập.
Tại một số địa phương, với phạm vi quản lý, điều hành lớn (như TP.Hà Nội, TP.HCM), lãnh đạo UBND các cấp rất khó sắp xếp lịch làm việc theo giấy triệu tập của tòa án để tham gia tất cả các giai đoạn của các vụ án hành chính.

Án hành chính tồn đọng ngày càng nhiều

Không chỉ không chịu tham gia đối thoại, dự tòa, khi tòa tuyên án, nhiều chủ tịch UBND các cấp cũng không chịu thi hành các bản án.
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 3 năm từ 2017 - 2019, cả nước 1.052 bản án mà người thi hành là các UBND, chủ tịch UBND các cấp và cơ quan hành chính nhà nước, đã có 713 bản án được thi hành, chiếm 68%.
Số bản án chưa được thi hành là 339 bản án, chiếm 32%. Trong số này có tới 316 bản án mà người thi hành là chủ tịch UBND và UBND các cấp.
Trong 10 tháng đầu năm 2020, có 377 bản án, quyết định mà người phải thi hành án là cơ quan hành chính nhà nước. Cộng cả án tồn đọng từ kỳ trước chuyển sang là 339 vụ thì tổng số việc mà cơ quan hành chính nhà nước phải thi hành trong 10 tháng đầu năm 2020 là 716 việc. Tuy nhiên, kết quả tới thời điểm báo cáo chỉ mới thi hành xong 244/716 việc, đạt tỷ lệ 34%. Điều này có nghĩa, còn lại 472 (66%) bản án sẽ được chuyển sang các năm tiếp theo.
Như vậy, số bản án tồn đọng, chưa được thi hành của năm 2020 đã tăng thêm 133 bản án so với năm 2019.
Bộ Tư pháp đánh giá, còn có tình trạng một số UBND chưa chủ động thi hành án hành chính, trong khi cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm đôn đốc, theo dõi, kiến nghị thi hành án hành chính, thủ trưởng cấp trên đã có văn bản chỉ đạo yêu cầu tổ chức thi hành án nhưng cơ quan phải thi hành án vẫn chậm tổ chức thi hành.
Bên cạnh đó, một số chủ tịch UBND và UBND chưa thực sự quan tâm, chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đối với công tác thi hành án hành chính; thậm chí có những UBND cấp tỉnh coi công tác thi hành án hành chính là công việc của cơ quan Thi hành án dân sự nên ủy quyền cho cơ quan Thi hành án dân sự thực hiện các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm thực hiện của UBND.
Từ đó, Bộ trưởng Tư pháp kiến nghị đối với các trường hợp, qua kiểm tra xác định rõ có hành vi chậm thi hành án hành chính sẽ có giải pháp kiểm điểm xử lý nghiêm theo quy định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.