Xây dựng chương trình hành động để đưa bóng đá VN đi lên, hiện thực hóa những vấn đề đặt ra trong chiến lược phát triển bóng đá VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, biết làm ra tiền để phục vụ cho bóng đá chính là những yêu cầu mấu chốt cho chức danh Chủ tịch VFF sắp tới.
Những ngày qua, dư luận bóng đá đặc biệt quan tâm đến việc ai sẽ là gương mặt sáng giá nhất ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch VFF khóa 7. Dù có nhiều tranh cãi nên chọn người từ cơ quan quản lý nhà nước sẽ giới thiệu (có thể là Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Khánh Hải) hay từ BCH VFF và nhiều CLB đồng tình đề xuất (Phó chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng), nhưng điều quan trọng nhất mọi người chú ý là vị chủ tịch đó khi được bầu sẽ làm được gì cho bóng đá VN.
Nên nhớ một trong những tiêu chí cần thiết là ứng viên phải có chương trình hành động để giới bóng đá thật sự đặt lòng tin, chứ không phải tham gia cho có “tụ”, theo kiểu cần phải siết chặt quản lý một tổ chức xã hội nghề nghiệp nhưng không đưa ra được một tầm nhìn cụ thể nào.
Chương trình hành động đó cần phải được xây dựng bài bản với những bước đi và lộ trình chặt chẽ. Bởi Chủ tịch VFF chính là người định hướng, tạo nền móng cho ngôi nhà bóng đá VN, muốn vậy phải có kế hoạch kiếm tiền để phục vụ cho bóng đá.
Chính Phó chủ tịch VPF, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức đã nói: “Với bóng đá VN hiện nay, chương trình hành động thiết thực nhất của ứng viên chủ tịch chính là phải kiếm được tiền để phục vụ các hoạt động liên tục và đa dạng của bóng đá. Có tiền mới có những tham vọng rõ ràng để đưa bóng đá VN đi lên. Có tiền chúng ta mới không xây nhà từ nóc. Tôi tin chắc các CLB, những thành viên đang không sống bằng bầu sữa của nhà nước sẽ hiểu và ủng hộ người biết kiếm ra tiền”. Ngay Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng nhìn nhận trong 2 nhiệm kỳ mà ông giữ cương vị này, bao giờ ông cũng đau đáu nỗi lo phải kiếm tiền để bộ máy vận hành trơn tru, từ đó có tác động tích cực đến việc đào tạo trẻ và phát triển tính chuyên nghiệp cho các CLB.
Như vậy, yêu cầu đặt ra cho ứng viên Chủ tịch VFF không nhất thiết phải là một quan chức cấp cao, nhưng đòi hỏi phải là người có uy tín xã hội, tâm huyết và có kinh nghiệm làm bóng đá ở VN. Bởi chỉ điều đó mới giúp ứng viên này tiếp cận được những thuận lợi và khó khăn của bóng đá, xây dựng được chương trình hành động rõ ràng để kiếm ra tiền. Bài học của FIFA, AFC hay một số LĐBĐ trong khu vực cho thấy bao giờ chủ tịch cũng là người có vị thế, có tiền và biết kiếm tiền. Chỉ với một vị chủ tịch như vậy, bóng đá mới đủ sức đi lên.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ cho biết VFF vẫn chờ văn bản của Bộ VH-TT-DL giới thiệu nhân sự chính thức để chốt lại việc bầu chức danh chủ chốt. BCH VFF sẽ họp vào ngày 15.5 để chốt một số vấn đề quan trọng liên quan đến đại hội. Nếu không có gì thay đổi vào giờ chót thì tại đại hội VFF khóa 7 vào ngày 5.6, chức chủ tịch sẽ là cuộc đua thực sự giữa hai nhân vật “già” và “trẻ”. Ông Lê Khánh Hải sinh năm 1965, chưa có kinh nghiệm quản lý bóng đá. Ông Lê Hùng Dũng, sinh năm 1952, từng lăn lộn với bóng đá VN gần 20 năm nay. |
Đăng Khoa - Lan Phương
>> Không nên để một người miễn cưỡng ngồi ghế chủ tịch VFF
>> Tranh cãi quanh việc chọn Chủ tịch VFF
>> Chức Chủ tịch VFF vẫn còn rất nóng
>> “Không nhất thiết Chủ tịch VFF phải là lãnh đạo Bộ”
>> Đã giới thiệu các chức danh chủ chốt VFF khóa 7
Bình luận (0)