Điển hình trong câu chuyện gây sốt cộng đồng mạng những ngày gần đây, một nữ sinh thuê trọ bị chủ nhà bóc phốt vì ăn ở mất vệ sinh. Trong video cũng dễ dàng nhận thấy rác vương vãi ra khắp sàn nhà nhưng cô gái trong đoạn phim trên vẫn thản nhiên ngồi ăn mì khiến người chủ bức xúc. Tuy nhiên, cô gái có phản ứng rằng chủ nhà đã làm sai vì đã tự ý quay phim cô. Vị chủ nhà cũng khẳng định vì đây là nhà của mình nên có quyền.
Bày tỏ góc nhìn về vấn đề này, Huỳnh Thị Cẩm Tiên (26 tuổi) làm việc tại số 127 Nguyễn Đình Chiểu, khóm 5, TP. Sóc Trăng, cho biết: “Bản thân mình cũng ở trọ nên có những lúc quá bận thì phòng cũng hơi bừa bộn một tí, khi nào có thời gian sẽ dọn dẹp sau. Rõ ràng trong video cô bé kia cũng nên gọn gàng hơn, tuy nhiên với vai trò là chủ trọ chỉ nên nhắc nhở, hoặc nếu không thể chấp nhận thì chấm dứt hợp đồng. Đừng nên quay video mang lên mạng không hay chút nào”.
Nguyễn Thị Kim Anh, sinh viên Trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ rằng câu chuyện trên không nên mang lên mạng xã hội vì không nghiêm trọng. Nữ sinh cho biết cô chủ trọ nên chọn cách xử lý tinh tế và có “tình” hơn trong việc này. Kim Anh khẳng định việc làm của cô gái trong video có sai nhưng người chủ cũng đã chọn cách làm cho mình mắc lỗi.
Coi chừng bị phạt vài chục triệu đồng
Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội - Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:
"Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác".
Luật sư Tiền nói thêm: “Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau: Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”.
Vì vậy, luật sư Tiền khẳng định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, có quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Do đó hành vi quay, chụp ảnh người khác của chủ trọ khi không được sự cho phép của người thuê là hành vi vi phạm pháp luật. Và tùy vào tính chất mức độ vi phạm, chủ nhà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo luật sư Tiền với hành vi quay video về cô gái đăng lên mạng xã hội, chủ trọ có thể bị xử phạt hành chính từ 10.000.000 - 20.000.000 đồng về hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, theo quy định tại khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP.
“Trường hợp quay video, hình ảnh và công khai, đăng tải thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người thuê thì chủ trọ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 - 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”, luật sư Tiền nói.
Luật sư Tiền cho biết thêm: Trong trường hợp "gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát", theo luật định, người có hành vi vi phạm có thể bị phạt từ đến 5 năm.
Trường hợp chủ trọ quay lén người thuê nhằm bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thuê thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự hiện hành. Theo đó, mức hình phạt thấp nhất là bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 7 năm.
Bên cạnh đó, trong trường hợp chủ trọ quay lén người thuê và sử dụng những hình ảnh, video để gây thiệt hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của họ thì có thể phải chịu trách nhiệm bồi thường bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại khác do luật quy định theo quy định tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015.
Qua vụ việc này, luật sư Tiền khuyến cáo người dân không được và không nên quay phim để đăng tải lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của người khác dù với bất kỳ mục đích gì. Trước khi bấm nút quay, cũng nên tự hỏi: làm vậy thì có đúng quy định của pháp luật không, có thể bị xử phạt thế nào? Và cũng nên đặt mình vào hoàn cảnh người khác, nếu người trong video là bản thân hoặc người thân của mình thì sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Đừng biến việc tự ý ghi hình người khác và đăng video lên mạng xã hội trở thành “thói quen” vì hành vi này có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
“Bên cạnh đó, bản thân người thuê trọ cần phải có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Thời gian qua rất nhiều vụ việc người thuê trọ khi không còn nhu cầu nữa đã trả phòng, chủ nhà đến khi nhận phòng mới tá hỏa phòng trọ của mình đã trở thành một “bãi rác”. Người thuê cần phải tập cho mình thói quen xem nhà trọ như nhà mình, giữ gìn vệ sinh tốt, hài hòa mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê, đồng thời sức khỏe của bản thân cũng tốt hơn khi sống trong một môi trường sạch sẽ”, luật sư Tiền nhắn nhủ.
Bình luận (0)