Về mặt quản lý, nếu như trường nào không thực hiện tốt, phòng GD-ĐT là đơn vị có trách nhiệm giải quyết những vi phạm này. Tuy nhiên, trước hết phụ huynh thấy thầy cô cho bài tập về nhà thì nên phản ánh với hiệu trưởng. Nếu như ở cấp này không giải quyết, phụ huynh có thể gửi phản ánh lên các cơ quan cấp trên như phòng hoặc Sở GD-ĐT TP.
Chị N.H.V, phụ huynh học sinh Trường TH Bắc Hải, Q.10, TP.HCM: “Nên có bài tập, nhưng ít thôi”
Chúng tôi có nghe nói năm học này chương trình bậc tiểu học sẽ giảm bớt phần bài tập ở nhà nhưng vẫn thấy các cháu tối nào cũng gò lưng học bài, làm bài, chủ yếu là môn Toán, Tiếng Việt. Hằng ngày sau khi đi học ở trường về, tôi phải tranh thủ cho cháu ăn rồi giục con học bài sớm còn đi ngủ để sáng dậy cho tỉnh táo. Nhiều khi trên ti vi có chương trình giải trí hay, phù hợp với lứa tuổi cũng không dám cho con xem vì sợ cháu không làm hết bài tập. Ngược lại, nếu buổi tối về mà thấy cháu không có bài để học thì lại thấy lo. Nên chăng thầy cô có kế hoạch tăng cường bài học trên lớp, giảm bớt phần bài tập ở nhà cho học sinh có thời gian tham gia hoạt động vui chơi giải trí.
Chị Lê Thị Ngọc Linh, phụ huynh học sinh Trường TH Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TP.HCM: “Không nên giao bài tập môn phụ về nhà”
Vì đang học lớp cuối cấp nên nếu như có nhiều bài tập về nhà tôi cũng động viên cháu cố gắng hoàn thành. Tuy nhiên, cho dù đã học lớp bán trú nhưng khi về nhà các cháu vẫn phải học, làm bài tập rất nhiều các môn Toán, Tiếng Việt, Lịch sử... Cứ đến 22 giờ là tôi cho cháu đi ngủ không để học quá khuya nữa vì ở lứa tuổi ăn ngủ mà tối nào cũng thức quá khuya làm sao đảm bảo được sức khỏe. Nhiều khi thấy con làm chưa hết bài cũng đành chịu. Nếu tình trạng này cứ kéo dài mãi, có lẽ cháu thứ hai tôi sẽ cho theo học ở trường tiểu học dân lập quốc tế cho nhẹ.
Bích Thanh (ghi)
Bình luận (0)