Chú ý gì từ đề thi minh họa môn văn ?

Cấu trúc, thang điểm của đề thi minh họa môn văn cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 mà Bộ GD-ĐT vừa công bố cơ bản giống với đề thi năm 2018.

Theo đó, đề vẫn gồm 2 phần: đọc hiểu (3 điểm, với 4 câu hỏi) và làm văn (gồm viết đoạn văn, 2 điểm và nghị luận văn học, 5 điểm). Phần viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) cũng có sự tích hợp với văn bản đọc hiểu...
Theo đề thi minh họa, thí sinh (TS) cần lưu ý các điểm sau:
1. Đề thi tăng cường tính thực tiễn và hướng đến những yêu cầu có tính gợi mở. Điều này có nghĩa là yêu cầu TS phải có sự hiểu biết thực tế, vốn sống xã hội. Bên cạnh việc nắm vững kiến thức tác phẩm, TS cần phải có kỹ năng để xử lý một đề thi theo hướng “mở”, đa dạng, bất ngờ về các cách hỏi.
2. Câu đọc hiểu văn bản sẽ tăng thêm độ khó, hạn chế những câu hỏi nhận biết quá đơn giản theo kiểu “chống điểm liệt” trước đây, tăng cường những câu hỏi thông hiểu và vận dụng (thấp). Tình hình đó đòi hỏi TS phải có kỹ năng đọc và suy ngẫm kỹ, sâu và tốt hơn.
3. Cần chú ý nhất câu nghị luận văn học. Đây là cách hỏi khá thoáng, đầy ngẫu hứng theo lối chấm phá, từ một vài “lát cắt” của truyện (ví dụ trong đề minh họa là “hai lần miêu tả cung cách ăn uống của người vợ nhặt” trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân) nhưng TS phải nắm thật vững tác phẩm thì mới làm bài được.
Dù đề thi hướng đến mục đích xét tốt nghiệp là chính, song không loại bỏ hoàn toàn mục đích phân loại TS để xét tuyển sinh. Cho nên trong cách hỏi phần này cũng có nhiều vế yêu cầu từ đơn giản đến khó hơn. Chẳng hạn trong đề minh họa, vế đầu là: “Phân tích hình ảnh người vợ nhặt trong hai lần miêu tả trên”. Và vế sau là “từ đó làm nổi bật sự thay đổi của nhân vật này”. Vế đầu câu hỏi vừa sức cho TS ở mức học trung bình. Vế sau đánh giá TS có lực học tốt hơn, kỹ năng tốt hơn...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.