Ngành sản xuất cá tra đang gặp khó khăn kéo dài nhiều năm qua, đến thời điểm này khi Mỹ áp dụng “chương trình thanh tra cá da trơn” thì khó khăn ngày càng trầm trọng hơn.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 89, trong đó nêu rõ Chính phủ thống nhất chưa thực hiện các quy định tại khoản 5 điều 4; điểm b, điểm c khoản 3 điều 6 và khoản 2 điều 7 (liên quan áp dụng tiêu chuẩn VietGAP đối với các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm, quy định tỷ lệ mạ băng và đăng ký hợp đồng xuất khẩu) của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP ngày 29.4.2014 về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra, cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi bổ sung nghị định này. Giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các tổ chức liên quan khẩn trương rà soát toàn diện và đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 36/2014.
Theo Nghị định 36, từ ngày 31.12.2015 các cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt theo chuẩn VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật VN. Tỷ lệ mạ băng đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu.
Các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% và hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh của sản phẩm. Về đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội Cá tra VN, cơ quan hải quan chỉ chấp nhận thông quan đối với những lô hàng của hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội Cá tra VN xác nhận. Nghị định 36 ra đời đón nhận 2 luồng ý kiến trái chiều.
Một bộ phận doanh nghiệp ví von “đây là quy định theo kiểu tự mua dây trói mình”, trong khi nhiều ý kiến ủng hộ vì “phù hợp xu hướng chung của thế giới với yêu cầu về chất lượng ngày càng cao; thể hiện trách nhiệm của các nhà sản xuất cá tra VN với khách hàng thế giới”.
Trên thực tế, ngành sản xuất cá tra đang gặp khó khăn kéo dài nhiều năm qua, đến thời điểm này khi Mỹ áp dụng “chương trình thanh tra cá da trơn” thì khó khăn ngày càng trầm trọng hơn.
Bình luận (0)