Chữa bách bệnh bằng… chưởng (!)

17/04/2009 23:48 GMT+7

Mỗi ngày, hàng trăm người lũ lượt kéo đến nhà "thầy" Tám ở thị trấn Hà Lam, Thăng Bình (Quảng Nam) để "thầy" chữa đủ thứ bệnh bằng cách chưởng! Nghe đọc bài

 Nhà "thầy" Tám  ở trong một hẻm nhỏ ven quốc lộ, cách ngã tư Hà Lam chừng 100m. Khi chúng tôi đến mới tờ mờ sáng, nhưng sân nhà "thầy" Tám đã có hàng chục người tay xách, nách mang chầu chực sẵn. Hầu hết là người già và phụ nữ. Ai cũng giữ chặt tờ số thứ tự được ép plastic khá chuyên nghiệp. Tôi cũng được người đàn ông tên Dũng phát tờ phiếu số 59 lúc 5 giờ 30 sáng. Tôi năn nỉ một hồi, ông Dũng móc trong túi áo đưa tôi tờ phiếu số 29 nói: "Ưu tiên chị nhà xa, có điện thoại trước". Giá của một lần xin số là 1.000 đồng, nhưng nếu ai "bỏ nhỏ" cho người đàn ông này 15 - 20 ngàn sẽ được ưu tiên phát những số đầu.

"Thầy" Tám chữa bệnh sau 8 giờ. Chị phụ nữ ngồi cạnh tôi ở tận Vĩnh Điện (Quảng?Nam), đến lúc 4 giờ sáng mà số thứ tự đã là 45. Chị chép miệng lo lắng vì "Hôm qua chờ cả ngày không được, khám đến số 32 thầy đã nghỉ. Mọi người bảo thầy sáng đến đây khám, tối về núi". Tôi hỏi ở núi nào, thì ai cũng lắc đầu không biết, chỉ "nghe mọi người nói thế". Hai căn nhà ở sát bên là nhà của em và cháu "thầy", từ ngày "thầy" hành nghề trở thành hàng quán, bán nước cho những người đến khám với giá cao hơn ngoài. Buổi trưa, người chị của "thầy" kiêm luôn bán cơm phục vụ bệnh nhân...

 Chưởng và điểm huyệt 

"Thầy" Tám đang chữa bệnh

"Thầy" Tám chỉ mới ngoài 40 tuổi, có 2 - 3 đệ tử lo chuyện phát thuốc, gọi thứ tự từng người bệnh. "Thầy" mặc bộ đồ màu lam, thắp hương, gõ chuông. Phòng khám là gian trái căn nhà, rộng chưa đến 10m2, lại ngăn ra thêm một phòng nhỏ chừng 2,5m2, tối om. Góc phòng nhỏ này có một bàn thờ hình "thầy" đang cởi trần luyện công, trước mặt là bát hương nghi ngút và đĩa sứ để bệnh nhân đặt tiền cúng sau khi được phát thuốc. 

Người đầu tiên "thầy" khám là người đàn ông gần 60 tuổi, bị hen suyễn. Sau khi bôi thứ nước màu vàng lên đầu, mắt, thái dương và cổ người bệnh, "thầy" múa may quay cuồng những bài quyền, miệng kêu "i, i...", nghiến răng ken két. Được một hồi, "thầy" đứng dang rộng hai chân, mắt long lên những tia máu đỏ sọc, dùng tay ấn vào trán, chưởng vào lưng, vào tay chân người bệnh nghe hừ hự. Ở những phần mềm như cổ và bụng, "thầy" đi một bài quyền rồi đưa tay chặt nhẹ như điểm huyệt. Vừa điểm huyệt, vừa chưởng, "thầy" vừa nhìn mọi người, nói: "Bệnh này ngày càng nặng là do uống thuốc Tây quá nhiều, cứng gan rồi". "Thầy" tiếp tục yêu cầu bệnh nhân đứng thẳng, dang tay rồi lặp lại các động tác tương tự, miệng "thầy" vẫn không ngừng la "i, i...". "Thầy" khám xong, người đàn ông bảo "đỡ rồi". Được thể, "thầy" phán luôn: "Hết bệnh rồi. Đó, bà con thấy không, ổng hen suyễn 40 năm nay không khỏi, bây giờ mới chữa được đó". Người đàn ông lúi húi vào phòng trong lấy thuốc rồi cắp mũ ra về với mấy bịch thuốc trên tay. Suốt thời gian tôi ngồi chờ "thầy", không hề thấy người này đến xin số, mà ông ta chỉ xuất hiện trước khi "thầy" đến 15 phút.

"Thầy" Tám khám trước cho những người già, thường đến chữa bệnh nhức mỏi, gai cột sống, tê chân tay... Một bà già ở Duy An (Duy Xuyên, Quảng Nam) đã ngoài 70, bảo cháu đưa đến khám, cũng được "thầy" chưởng hừ hự. Khi chúng tôi hỏi thăm, bà nói chắc nịch: "Thầy khám và chưởng, rồi cho thuốc uống 3-4 lần, chừ tui không thấy đau nữa". Một bà già khác bị côn trùng cắn vào tay, vết sưng đã xẹp nhưng tay vẫn còn tím, được "thầy" chẩn đoán "rối loạn huyết sắc tố, u xương"...

Người bị bệnh u não, ung thư giai đoạn 2, 3 bệnh viện trả về cũng được "thầy" tuyên bố chữa hết. Một người đàn ông đeo kính đen, được vợ đưa vào khám, theo lời "thầy" là bị u não, bệnh viện trả về nhưng đến "thầy" chữa thời gian qua, bây giờ cục u... tiêu luôn! "Tui là nhập từ vô thể, không ai xác định được... Nhiều lúc tui muốn lên lại núi tu luôn cho sướng, nhưng thấy mấy người bị ung thư này tội quá, đành chịu, phải ở lại giúp đỡ", "thầy" vừa khám, vừa nói sang sảng với những người bệnh khác, mồ hôi đầm đìa lưng áo sau những màn múa quyền dưới căn nhà thấp lè tè, nóng nực. Câu này, chúng tôi nghe "thầy" nói đi nói lại trong nhiều chuyến thâm nhập thực tế tại đây. 

Trong đám đàn ông tham gia bốc thuốc giúp "thầy" có cả người lúc nãy ngồi nói chuyện với chúng tôi ở bên hàng nước. Lúc đó ông ta bảo bị bệnh dạ dày khối, bệnh viện trả về, lên nhờ "thầy" chưởng và cho uống thuốc được 9 lần thì khỏi. Ông này còn kể chuyện hôm trước có người bị ung thư giai đoạn 3, đầu và tay chân đã sưng phù, mặc dù có con là bác sĩ nhưng cũng phải khiêng đến "thầy" chữa. Trong 1 tuần, "thầy" chưởng đến đâu, bệnh hết đến đó, tay chân, đầu cũng xẹp xuống, người đó tự đi đứng được(!). 

"Thầy" lập một bàn thờ, thờ... chính mình !  (Ảnh: Vũ Phương Thảo)

Trăm bệnh chữa bằng một thuốc

 Trao đổi với Thanh Niên, trung tá Phan Thanh Ngạt, Trưởng Công an thị trấn Hà Lam, cho biết: "Thầy" Tám tên thật là Nguyễn Công Tám, có vợ mới mất cách đây mấy năm. "Thầy" Tám nguyên là bộ đội phục viên, về quê làm nông mười mấy năm nay chứ không đi đâu cả như tin đồn. Năm 2007, thấy nhiều người tập trung đến nhà "thầy" chữa bệnh thiếu khoa học, bản thân "thầy" không có bằng cấp, nghiệp vụ y khoa gì nên công an đã mời "thầy" lên viết "cam kết không được chữa bệnh nữa". Nhưng sau một thời gian giải nghệ, "thầy" Tám lại tiếp tục hành nghề lén lút như hiện nay. "Chỉ có người dân nơi khác mới tin mà đến chứ người dân địa phương không ai chữa bệnh ở "thầy" cả, vì có một số người từng đến chữa nhưng không khỏi", ông Ngạt khẳng định. (V.P.T

 

Tất cả các bệnh nhân, từ đau nặng đi không được cho đến bệnh nhẹ như cảm cúm, nhức mỏi đều được "thầy" chỉ định một loại thuốc. Đó là thang thuốc lá phơi khô đủ loại và một thứ thuốc bột màu vàng. Người nào nhức mỏi, phù nề thì được "thầy" cho thêm gói thuốc nước lờ lờ như nước hến, nổi bọt.  

Một bạn đọc gửi thư đến Báo Thanh Niên, kể chuyện mẹ anh đến "thầy" Tám chữa bệnh: "Tôi đưa mẹ đến chữa bệnh viêm xoang. Thấy bà chỉ vào mũi, ông thầy liền phán: Đừng chỉ tay, bà bị tai biến mạch máu não nặng và cũng chữa bằng cách... chưởng như người khác. Vậy mà mẹ tôi vẫn một hai tin lời ông thầy, hoang mang, mất ăn mất ngủ, làm cả nhà cãi nhau kịch liệt". Anh kể thêm, một lần đưa mẹ đến chữa bệnh, chứng kiến một người phàn nàn về cách chữa bệnh của "thầy" thì bị "thầy" đánh tơi bời với lý do "đến đây phá". Có người bị thoát vị đĩa đệm, đến "thầy" chữa một thời gian, bệnh tình ngày càng nặng nên cuối cùng vẫn phải nhập viện mổ.

Câu chuyện thần bí về "thầy" Tám được đồn thổi, thêu dệt và lan truyền trong từng ngóc ngách các làng quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Họ kể rằng, cách đây nhiều năm, "thầy" bị bạo bệnh qua đời. Thầy cúng không cho đổ cát mà bỏ "thầy" trong quan tài, không đóng nắp. Được 3 ngày, lúc người nhà chuẩn bị đưa "thầy" đi chôn thì "thầy" sống lại, nói năng tỉnh táo. Từ đó, "thầy" được ơn trên phù hộ, bỏ vợ con lên núi tu, luyện công, hái thuốc. Có người bảo "thầy" luyện công ở Châu Đốc, nay ơn trên bảo phải về Hà Lam, quê hương "thầy" để chữa bệnh cứu người... Cứ thế, những lời đồn thổi khiến "thầy" Tám trở thành bậc thánh sống, để hàng ngày cả trăm người đổ về chờ "thầy"... chưởng. 

 Chúng tôi mang những thang thuốc của "thầy" Tám đến nhờ lương y Trần Đình Niên, Phòng chẩn trị Đông y Vạn Phát Đường (Đà Nẵng) xác định nguồn gốc các loại lá và rễ cây. Theo ông Niên, trong thang thuốc này có gừng, cây vòi voi, bạc hà, còn những lá cây khác vì đã được sao khô nên rất khó xác định. Sau khi được chúng tôi đưa xem đoạn video về kiểu chữa bệnh của "thầy" Tám, ông Niên nhận xét là "không bình thường", vì nếu vận khí công theo nguyên tắc "thần khí tương ứng", "thần tụ khí tụ" mà "thầy" Tám vẫn vừa "chưởng", vừa luyện công, vừa quay phải, quay trái nói chuyện là không đúng. Còn việc tất cả các loại bệnh đều được "thầy" Tám cùng chữa theo một cách, uống một loại thuốc thì "càng khó tin tưởng". (T.P)

Vũ Phương Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.