Chưa biết đọc vẫn phải mua sách lịch sử, địa lý địa phương

05/10/2017 15:49 GMT+7

Đó là phản ánh của rất nhiều phụ huynh có con đang theo học tại các trường tiểu học trên địa bàn H.Trảng Bom (Đồng Nai).

Làm lợi cho ai?
Một phụ huynh có con đang học tại Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương (tại ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, H.Trảng Bom, Đồng Nai) bức xúc: “Trong ngày họp phụ huynh vừa rồi, giáo viên chủ nhiệm của lớp con tôi thông báo các khoản thu trong đó có khoản mua sách lịch sử địa phương khiến chúng tôi bất ngờ. Con tôi mới học lớp 1, cháu còn chưa biết đọc vậy mà đã bị bắt mua sách lịch sử địa phương. Việc mua sách này là để phục vụ mục đích gì hay để làm lợi cho ai? Tôi cho rằng mua sách lịch sử địa phương ở giai đoạn học lớp 1 là chưa cần thiết”.
Phụ huynh này nói thêm: “Chúng tôi hỏi giáo viên chủ nhiệm thì được biết đây là chủ trương của Phòng Giáo dục H.Trảng Bom chứ không phải riêng của Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. Như vậy sẽ rất nhiều học sinh khác phải mua sách này. Nếu tính một học sinh thì số tiền không đáng bao nhiêu nhưng nếu tất cả học sinh tiểu học trên địa bàn huyện đều phải mua thì lợi nhuận từ việc bán sách sẽ rất lớn. Tuy nhiên, vì sao họ lại bắt ép cả học sinh chưa biết đọc mua sách thì cần giải thích rõ”.
Một phụ huynh khác cũng nêu ý kiến: “Với học sinh lớp 4, 5 thì việc bắt mua sách lịch sử địa phương còn có lý. Nhưng đối với học sinh tại các lớp 1, 2,  3 thì mua sách này về cũng để đó”.
Phiếu thu tiền do giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương thông báo tới phụ huynh, trong đó có khoản thu bắt buộc sách lịch sử địa phương
Trường kẹt giữa phụ huynh và cấp trên
Trước những bức xúc từ phía phụ huynh, PV Thanh Niên đã liên lạc với một số giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên địa bàn H.Trảng Bom và được biết hầu hết giáo viên triển khai việc bán sách này chỉ vì bất đắc dĩ. Bản thân họ cũng cảm thấy việc bán 2 loại sách này cho học sinh lớp 1, 2, 3 là vô lý và tạo thêm gánh nặng cho phụ huynh.
Một giáo viên phụ trách lớp 1, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, cho hay: “ Việc bán sách lịch sử và địa lý địa phương trong trường học đã được triển khai tới các trường tiểu học thuộc khu vực thị trấn từ năm trước. Tới năm nay thì triển khai về tất cả các trường tiểu học trên địa bàn huyện”. Giáo viên này cho biết thêm: “Để hợp thức hóa mục tiêu sử dụng sách thì giáo viên sẽ phải lồng ghép các nội dung có trong sách vào trong bài dạy. Vì là sách bắt buộc phải mua nên chúng tôi buộc phải triển khai đến phụ huynh. Xét về mặt sư phạm học sinh lớp 1 chưa biết đọc thì việc mua này là không cần thiết”.
Cũng nói về việc này, hiệu trưởng một trường tiểu học H.Trảng Bom cho hay: “Theo chủ trương, tất cả học sinh của trường phải mua 2 cuốn lịch sử và địa lý địa phương. Tuy nhiên, vì thấy hết sức vô lý khi học sinh lớp 1, 2, 3 chưa đủ khả năng nhận thức mà vẫn phải mua 2 loại sách này nên trường tự làm theo kiểu là phụ huynh nào mua sách lịch sử rồi thì không cần mua sách địa lý . Điều này tuy có trái với chủ trương của cấp trên nhưng sẽ giảm bức xúc ở phía phụ huynh”.
Vị hiệu trưởng này cũng cho biết thêm: “Đầu năm học nào chúng tôi cũng cảm thấy rất khó xử khi nhận lệnh bán sách trong trường vì một bên là lệnh từ cấp trên một bên là sự phản ứng dữ dội từ phía phụ huynh. Triển khai thì thấy có lỗi với học trò, với phụ huynh nhưng nếu tự ý làm trái thì chắc chắn sẽ gặp rắc rối…”
Học sinh đăng ký tự nguyện?
Trả lời Thanh Niên ngày 5.10, ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Nai giải thích việc đưa nội dung lịch sử và địa lý địa phương vào giảng dạy cho học sinh ở bậc tiểu học là chỉ đạo của Bộ GD-ĐT từ nhiều năm học trước. Về bộ tài liệu địa lý địa phương, ông Thạch cho biết Sở GD-ĐT kết hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn cho cả cấp học từ lớp 1 đến lớp 5.
“Cả cấp học chỉ có một cuốn thôi, giáo viên sẽ lựa các bài học phù hợp để tích hợp trong các hoạt động trên lớp và chương trình ngoại khóa. Tuy nhiên hiện Đồng Nai mới chỉ triển khai đối với môn địa lý, còn môn lịch sử thì chưa”, ông Thạch nói.
Khi được hỏi tài liệu này có bắt buộc các học sinh phải mua hay không, ông Thạch khẳng định đây chỉ là tài liệu tham khảo và học sinh đăng ký tự nguyện. “Tài liệu chỉ phát hành một lần chứ không phải năm nào cũng đưa xuống các trường. Có thể 2-3 em tham khảo chung một cuốn chứ Sở không chủ trương yêu cầu mỗi học sinh phải mua một cuốn. Chúng tôi cũng đã hướng dẫn giáo viên khi triển khai nếu có vấn đề gì phát sinh thì phản hồi để Sở tính toán, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế”, ông Thạch giải thích.
Cùng ngày, PV Thanh Niên cũng đã liên hệ với lãnh đạo Phòng GD-ĐT H.Trảng Bom nhưng cả trưởng và phó phòng đều lấy lý do bận họp nên không trả lời.
Uyên Nghi (ghi)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.