Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, Bộ sẽ làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, rà soát lại phương án tài chính và hồ sơ dự án. Quyết định giảm phí trước đó sẽ tác động đáng kể đến phương án tài chính của trạm BOT Cai Lậy. Bộ cũng sẽ làm việc với Tiền Giang lên phương án đảm bảo an ninh trật tự cho trạm thu phí khi đi vào hoạt động trở lại.
Vị này cũng cho hay chưa xác định được thời điểm chính thức thu phí trở lại.
Trạm thu phí Cai Lậy đưa vào hoạt động từ đầu tháng 8, ngay lập tức đã vấp phải sự phản ứng của nhiều tài xế địa phương. Các tài xế đã dùng tiền lẻ 200, 500, 1.000 đồng vo tròn bỏ vào chai nhựa hoặc đếm từng tờ khi qua trạm... nhằm phản đối việc thu phí.
Sau điểm nóng ùn tắc tại Cai Lây, giữa tháng 8, lãnh đạo Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang đã họp bàn quyết địnhh giảm phí cho tất cả phương tiện qua trạm. Xe loại một dưới 12 ghế; xe tải dưới hai tấn được giảm phí từ 35.000 xuống 25.000 đồng mỗi lượt. Xe loại hai từ 12 đến 30 ghế; xe tải từ hai đến dưới bốn tấn giảm từ 50.000 xuống 35.000 đồng mỗi lượt.
Xe loại ba từ 31 ghế ngồi trở lên; xe tải có tải trọng từ bốn đến dưới 10 tấn giảm phí từ 60.000 xuống 40.000 đồng một lượt. Xe loại bốn gồm xe tải từ 10 đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet giảm phí từ 100.000 xuống 70.000 đồng mỗi lượt. Xe loại năm gồm xe tải từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet giảm phí từ 180.000 xuống 140.000 đồng mỗi lượt.
Trạm thu phí Cai Lậy tiếp tục ngừng hoạt động
Chiều 20.8, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư QL1 Tiền Giang, cho biết hôm nay 21.8 Trạm thu phí Cai Lậy vẫn chưa hoạt động trở lại và ông cũng không biết việc 'xả trạm' sẽ kéo dài đến khi nào.
Do giảm phí, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án dự kiến kéo dài 12-14 năm thay vì hơn 6 năm như trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn chưa hài lòng với quyết định này và cho rằng, thay vì giảm phí, phải thay đổi vị trí đặt trạm rất bất cập.
Bình luận (0)