Chưa có giá xăng cạnh tranh

12/10/2017 06:37 GMT+7

Công ty TNHH dầu khí Idemitsu Q8 (viết tắt IQ8) vừa chính thức khai trương cây xăng mang thương hiệu IQ8 tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội.

Đây là trạm xăng đầu tiên của một doanh nghiệp 100% nước ngoài thuộc liên doanh giữa Tập đoàn Idemitsu Kosan của Nhật Bản và Công ty dầu khí quốc tế Kuwait KPI.
Trước đó, IQ8 đã góp vốn cùng Tập đoàn dầu khí VN (PVN) đầu tư Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa. Theo cam kết của Chính phủ, công ty này có quyền tham gia phân phối xăng dầu của Nghi Sơn tại thị trường trong nước. Còn theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp (DN) nước ngoài chưa được kinh doanh, phân phối xăng dầu tại thị trường VN.
Với công nghệ vượt trội, hệ thống phần mềm quản lý tự động, thanh toán bằng thẻ, hệ thống đường ống chống rò rỉ, cháy nổ… IQ8 chắc chắn sẽ tạo sức ép cạnh tranh, buộc các DN nội phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, trạm bơm với phần mềm tính toán tự động chính xác tới 0,01 lít, sẽ hạn chế tình trạng gian lận tiền hoặc lượng xăng dầu.
Sự xuất hiện của “đại gia” xăng dầu lớn thứ 2 của Nhật Bản tại VN buộc các DN nội phải nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện dịch vụ, hình ảnh… Tuy nhiên theo TS Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính), nếu nhà nước vẫn quản lý, định đoạt giá thì dù có bao nhiêu đầu mối xăng dầu đi nữa cũng không có cạnh tranh đúng nghĩa. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), bày tỏ lo ngại về việc nhà nước đang can thiệp quá sâu vào thị trường xăng dầu, khiến thị trường xăng dầu còn nửa vời, chưa mang tính cạnh tranh. Vai trò điều hành của nhà nước vẫn nặng hơn thị trường, trong toàn bộ cơ cấu giá, gần như mọi quyền hạn đều nằm ngoài tầm tay của DN.
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, xăng là mặt hàng năng lượng liên quan đến an ninh quốc gia, là mặt hàng thiết yếu nên việc mở cửa cạnh tranh là cần thiết; nhà nước nên áp mức giá trần, có biên độ linh hoạt và mở cửa có kiểm soát bằng các rào cản kỹ thuật, cơ chế chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển khuyến nghị, nhà nước phải làm thế nào để DN có thể tự quyết định giá và tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.