Chưa có quy chế quản lý hổ nuôi

12/09/2009 00:41 GMT+7

Hôm qua, đại diện các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra việc nuôi nhốt thú tại Vườn thú Đại Nam (Bình Dương) - nơi xảy ra vụ hổ nhảy khỏi chuồng vồ chết nhân viên vào ngày 10.9. >> Hổ nhảy khỏi chuồng vồ chết nhân viên

Chiều 11.9, bác sĩ Hoàng Văn Diệu, Trưởng khoa Phẫu thuật Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương, cho biết anh Nguyễn Văn Giàu (21 tuổi) đã qua cơn nguy kịch, nhưng sức khỏe vẫn còn yếu do vết cắn của hổ làm chấn thương sọ não và vết cào làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tai-mũi-họng. Dù rất mệt, anh Giàu cố gắng kể lại, khi đang đứng phụ anh em trồng cây tạo sân chơi cho hổ thì bất ngờ con hổ bên cạnh nhảy qua, lao đến tấn công. Trong lúc hai bên đang giằng co, hổ vướng vào dây xung điện nên buông anh ra. “Lúc đó quá hoảng sợ nên tôi không còn hay biết gì nữa”, anh Giàu nói. Một nhân viên sống sót cho biết thêm: “Khi con hổ Đông Dương “ngoạm” Giàu thì anh Nguyễn Công Danh cùng một nhân viên khác nhảy xuống hồ nước thoát thân. Phát hiện con hổ bị điện giật, tôi cùng với một người khác dùng gậy tầm vông chống trả con hổ để cứu anh Giàu. Thấy vậy, anh Danh ở dưới hồ nước cũng nhảy lên cầm gậy hỗ trợ thì bị nó lao đến cắn chết”.

Làm việc với Cơ quan Kiểm lâm Vùng III và Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, ông Dương Thành Phi, Giám đốc Vườn thú Đại Nam (Khu du lịch Lạc Cảnh Đại Nam Văn Hiến), nhìn nhận: “Nhân viên quá chủ quan, không nhốt con hổ Đông Dương vào chuồng “ép” trước khi tiến hành trồng cây. Ba hôm nay, con vật có triệu chứng động dục, cộng với tiếng động cần cẩu nên nó trở nên hung dữ”. Khi được đề nghị đưa đoàn đến hiện trường, ông Phi đính chính ngay với cơ quan chức năng và báo chí rằng “hàng rào chỉ cao 2,5m, chứ không phải 5-6m như báo cáo ban đầu”.

Tại hiện trường, Vườn thú Đại Nam đã cho dựng thêm tấm lưới B40 cao khoảng 2m. Đoàn kiểm tra nhận định bức tường chỉ cao 2,5m là quá thấp so với đà phóng của con hổ trưởng thành.

Ông Dương Thành Phi cho biết: “Việc nuôi thú tại Đại Nam chủ yếu do học hỏi kinh nghiệm các nước trên thế giới. Chẳng hạn, 2 con hổ trắng nhập về từ Mexico thì nhờ chuyên gia nước bạn đến chỉ dẫn cách làm chuồng thú để bảo đảm an toàn cho khách. Còn thú mình nuôi thì tùy theo sự hung dữ để làm chuồng. Sau sự cố này, chúng tôi nghiên cứu cho xây dựng thêm hàng rào xung quanh chuồng thú và kể cả khu vực khách đứng tham quan; đồng thời gắn thêm một hệ thống gương bên trong. Những chuồng thú dữ khác cũng tăng cường nhiều lớp để bảo vệ. Chủ yếu chúng tôi phải tự tìm tòi vừa làm vừa học".

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục Kiểm lâm Bình Dương, nhìn nhận: “Đúng là hiện nay chưa có quy chế nào để quản lý hổ nuôi và quy chuẩn về chuồng trại để bảo đảm an toàn cho nhân viên cũng như khách tham quan. Mỗi khi kiểm tra, chúng tôi chỉ nhắc nhở các cơ sở nuôi phải thường xuyên gia cố chuồng trại, không được để sổng chuồng đe dọa tính mạng những người xung quanh”. Ông Nguyên cũng cho biết thêm, hiện nay Chi cục Kiểm lâm đang thẩm định 3 trại nuôi hổ thí điểm, gồm Vườn thú Đại Nam (18 con), Công ty TNHH Thái Bình Dương (31 con) và DNTN Thanh Cảnh (9 con). Nhưng đến nay chỉ có Vườn thú Đại Nam trình phương án nuôi nhốt không gian mở (vào tháng 6.2009). Hội đồng thẩm định (cũng tự lập, gồm nhiều ngành như kiểm lâm, thú y, TN-MT, các chuyên gia về sinh vật...) thấy phương án còn thiếu kế hoạch bảo đảm an toàn cho khách tham quan nên chưa thông qua (hạn chót nộp phương án 31.12.2009) thì xảy ra sự cố.

Hoàng Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.